Cường quốc sát Việt Nam sắp có cuộc cách mạng giao thông trên không: Hiện thực hóa ước mơ đi làm bằng ‘taxi bay’, xử lý tình huống khẩn bằng máy bay không người lái
(Thị trường tài chính) - Giấc mơ đi làm bằng "taxi bay" sẽ không còn xa vời khi Quảng Châu tiên phong xây dựng khung pháp lý cho nền "kinh tế trên không".
Quảng Châu đang dẫn đầu xu hướng phát triển kinh tế trên không, mở ra viễn cảnh nơi taxi bay chở hành khách và máy bay không người lái vận chuyển hàng hóa trở thành hiện thực. Thành phố này đang tập trung xây dựng nền tảng pháp lý cho các loại hình vận tải mới, bao gồm cả dịch vụ di chuyển trên không trong nội đô, giữa các tỉnh và thậm chí xuyên biên giới.
Quảng Châu đang dần mở ra viễn cảnh taxi bay chở hành khách và máy bay không người lái vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Internet
Theo thông tin từ phóng viên Liễu Trác Nam của tờ Dương Thành Vãn Báo, vào ngày 22/10, Ủy ban Thường vụ Nhân dân thành phố Quảng Châu đã công bố dự thảo sửa đổi lần thứ hai của "Điều lệ Phát triển Kinh tế trên không thành phố Quảng Châu" để thu thập ý kiến từ công chúng. Dự thảo này dự kiến sẽ được trình lên Hội đồng Nhân dân thành phố vào tháng 11/2024 để xem xét và thông qua.
Dự thảo bao gồm 8 chương với 43 điều khoản, đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng như cơ sở hạ tầng, dịch vụ bay, phát triển ngành hàng không và đảm bảo an toàn. Đặc biệt, các điều khoản cũng quy định trách nhiệm pháp lý liên quan đến lĩnh vực này.
Một trong những điểm nổi bật của dự thảo là kế hoạch mở rộng các tuyến vận tải hành khách trên không trong nội thành, giữa các tỉnh và thậm chí vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Quảng Châu hướng tới phát triển các dịch vụ vận tải mới, kết nối giao thông đa phương thức phục vụ nhu cầu đi lại, công tác và du lịch, đặc biệt là trong khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao.
Quảng Châu hướng tới phát triển các dịch vụ vận tải mới, kết nối giao thông đa phương thức phục vụ. Ảnh: Sưu tầm
Ngoài ra, dự thảo cũng nhìn nhận rõ những thách thức trong việc phát triển kinh tế trên không, từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến quá trình chứng nhận khả năng bay. Chính quyền thành phố sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương đạt được chứng nhận này, đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn liên quan.
Không chỉ dừng lại ở vận tải, Quảng Châu còn nghiên cứu áp dụng công nghệ bay vào nhiều lĩnh vực khác như giao thông, logistics, văn hóa - du lịch - thể thao, cứu hộ y tế, xử lý tình huống khẩn cấp, nông nghiệp và hành chính công.
Trong lĩnh vực logistics, Quảng Châu đang tích cực triển khai máy bay không người lái để vận chuyển hàng hóa, giao hàng tận nơi, và chuyển phát nhanh ở các khu vực thành thị, nông thôn, vùng núi và hải đảo. Các cơ quan như Sở Giao thông Vận tải và Sở Thương mại sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai dịch vụ giao hàng nhanh và phát triển mạng lưới logistics đường không.
Không chỉ dừng lại ở vận tải, Quảng Châu còn nghiên cứu áp dụng công nghệ bay vào nhiều lĩnh vực khác. Ảnh minh họa
Về văn hóa, du lịch và thể thao, thành phố đặt mục tiêu phát triển các khu du lịch trên không và "cắm trại bay". Quảng Châu cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các hoạt động như ngắm cảnh từ trên không, biểu diễn và đào tạo bay, sự kiện thể thao trên không và các hoạt động giao lưu văn hóa. Tất cả nhằm xây dựng một mạng lưới du lịch trên không trong tương lai.
Trong các tình huống khẩn cấp như cứu hộ y tế hay cứu hỏa, Quảng Châu khuyến khích các bệnh viện, trung tâm xét nghiệm và ngân hàng máu sử dụng máy bay không người lái để vận chuyển nhanh chóng máu, mẫu xét nghiệm và nội tạng hiến tặng.
Một trong những thách thức lớn nhất của ngành hàng không trên không tại Trung Quốc là sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng. Để giải quyết vấn đề này, dự thảo đã dành riêng một chương để tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động bay. Quảng Châu sẽ đầu tư xây dựng các trạm dịch vụ bay và mạng lưới hạ tầng thông minh phục vụ hoạt động bay trên không.
Máy bay không người lái sẽ giải quyết tình huống khẩn cấp như cứu hộ y tế hay cứu hỏa nhanh chóng, hiệu quả. Ảnh: Internet
Về mặt hạ tầng mặt đất, Ủy ban Hàng không Quảng Châu sẽ hợp tác với các cơ quan chính quyền và quận huyện để xây dựng các cơ sở phục vụ cất/hạ cánh, trung chuyển, xếp dỡ hàng hóa, đón trả hành khách, lưu trữ và bảo dưỡng máy bay không người lái. Những cơ sở này sẽ đảm bảo hỗ trợ tối ưu cho các hoạt động bay trên không trong tương lai.
Trước đó, Quảng Châu đã đầu tư 1,4 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng dành cho ô tô bay và eVTOL (máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng). Mục tiêu là giảm tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm đô thị. Thành phố không chỉ phát triển cơ sở hạ tầng mà còn trở thành trung tâm sản xuất eVTOL với sự tham gia của các công ty hàng đầu như Xpeng AeroHT và EHang. Sự phát triển này hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giao thông, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ toàn cầu.