Con đường ‘đau thương’ nhất Việt Nam từng hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn, trở thành nỗi ám ảnh với Nhà Trắng
Con đường ‘đau thương’ nhất Việt Nam từng hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn và 80 triệu lít chất độc hóa học
(Thị trường tài chính) - Gần 4 triệu tấn bom mìn – gấp đôi tổng lượng bom trong Chiến tranh Thế giới thứ hai đã được ném xuống con đường này nhằm phá hủy cầu đường, xe vận tải.
Đường Trường Sơn (hay còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh) ra đời trong bối cảnh đất nước bị chia cắt sau Hiệp định Geneva năm 1954. Liên lạc giữa hai miền Nam - Bắc qua tuyến Tây Quảng Trị lúc đó không đủ đáp ứng nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam. Trước tình hình cấp bách, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 vào tháng 1/1959 đã xác định nhiệm vụ mở tuyến chi viện chiến lược cho miền Nam nhằm thống nhất đất nước.
Tháng 5/1959, "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" mang phiên hiệu Đoàn 559 được thành lập, đánh dấu khởi đầu của tuyến chi viện huyền thoại mang tên Trường Sơn. Thượng tá Võ Bẩm, lúc bấy giờ là Cục phó Nông trường Quân đội, được giao trọng trách mở đường. Khởi đầu từ Khe Hó, Vĩnh Linh (Quảng Trị), những lối mòn trong rừng sâu được mở rộng thành con đường chiến lược. Tuy nhiên, sau một năm hoạt động, tuyến vận tải bị gián đoạn do sự phát hiện và càn quét của Mỹ, buộc bộ đội Trường Sơn phải mở tuyến mới qua đất Lào để tiếp tục chi viện.
Đến năm 1961, tuyến chi viện đã được khai thông, kéo dài gần 100km từ Đường 9 (Quảng Trị) đến Mường Phalan, Lào. Đường rộng đủ cho ngựa, voi, xe thồ và cả một số xe cơ giới di chuyển, duy trì dòng chi viện liên tục. Mạng lưới vận tải Đông - Tây Trường Sơn phát triển mạnh mẽ, đến cuối năm 1964 đã hình thành ba hệ thống song song: đường giao liên, đường vận tải gùi thồ và đường vận tải cơ giới.
Qua bốn giai đoạn 1959-1963, 1964-1968, 1969-1973 và 1973-1975, hệ thống đường Trường Sơn không ngừng mở rộng, với tổng chiều dài gần 20.000km, gồm 21 trục ngang và 5 trục dọc, trải dài qua ba nước Đông Dương. Gần 4 triệu tấn bom mìn – gấp đôi tổng lượng bom trong Chiến tranh Thế giới thứ hai đã được ném xuống Trường Sơn nhằm phá hủy cầu đường, xe vận tải. Từ năm 1968 đến 1972, mỗi ngày có 22 - 30 vụ B-52 oanh tạc trên dãy Trường Sơn, khiến “rừng không còn lá, núi đá thành đất bùn.”
Tháng 2/1971, trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, quân đội Việt Nam Cộng hòa với sự hỗ trợ của 6.000 lính Mỹ cùng gần 2.000 xe tăng, pháo binh, máy bay đã tấn công Hạ Lào nhằm cắt đứt tuyến tiếp vận từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, nỗ lực này không thể làm tê liệt tuyến đường huyết mạch.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara đã thừa nhận: “Không cách nào ngăn chặn dòng người và vật tư từ miền Bắc vào miền Nam.”
Trên chiến trường, pháo đội phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Lào luôn sẵn sàng đánh trả các cuộc hành quân của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Bộ đội Trường Sơn không chỉ đảm nhận hậu cần mà còn phát triển thành lực lượng chiến đấu với quân số hơn 100.000 người vào cuối năm 1974.
Dù dưới tán rừng bị tàn phá, các đoàn xe vận tải vẫn kiên cường vượt qua “tọa độ lửa” trên đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình), nơi phải chịu mật độ bom đạn ác liệt nhất. Chỉ trong 15 ngày cuối tháng 11/1969, Mỹ đã ném hơn 17.400 tấn bom xuống khu vực này, trung bình mỗi mét đường phải gánh chịu 2,2 tấn bom.
Không bom đạn nào có thể chặt đứt được con đường là biểu tượng của lòng yêu nước vĩ đại. Những người lính lái xe vận tải vẫn cầm lái những chiếc xe không kính vì bom đạn tiếp tục chi viện cho chiến trường miền Nam. Hình ảnh này không chỉ là biểu tượng của sự khốc liệt trong chiến tranh mà còn đi sâu vào những câu thơ của Phạm Tiến Duật. Thống kê cho thấy, để vận chuyển thành công 1.000 tấn hàng qua con đường Trường Sơn.
Sau những trận bom ác liệt, lực lượng công binh, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến lập tức san lấp hố bom, thông đường cho đoàn xe tiếp tục hành trình. Bộ đội Trường Sơn đã san lấp hơn 78.000 hố bom, vô hiệu hóa hơn 20.000 quả bom nổ chậm và hơn 85.000 mìn, đồng thời đào đắp hơn 29 triệu m³ đất đá. Hơn 22.000 chiến sĩ đã hy sinh, trong khi hàng chục nghìn thanh niên trở về mà không biết mình đã nhiễm chất độc da cam, dẫn đến 4,8 triệu người bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân dioxin và nhiều thế hệ sau đó vẫn chưa được thừa nhận.
Sau ngày thống nhất, con đường Trường Sơn không chỉ là biểu tượng chiến tranh mà còn trở thành động lực phát triển kinh tế, bảo vệ biên giới. Năm 1997, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quy hoạch trục đường bộ xuyên Việt thứ hai, sau đó đổi tên thành đường Hồ Chí Minh, kéo dài hơn 3.000km qua 30 tỉnh từ Cao Bằng đến Cà Mau.