HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Chặn hơn 394.000 thuê bao nghi ngờ gọi rác, lừa đảo trong 7 tháng đầu năm

Thùy Dung

(Thị trường tài chính) - Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động xác thực thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sáng 12/11, tại chương trình chất vấn và trả lời chất vấn trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về các vấn đề trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Trong đó, trọng tâm bao gồm việc đầu tư, phát triển, và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông.

Để xử lý triệt để tình trạng SIM không chính chủ và hạn chế tin nhắn rác, cuộc gọi rác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu rà soát và nâng cao năng lực hệ thống để chặn lọc các tin nhắn và cuộc gọi không mong muốn.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giám sát, theo dõi tin nhắn rác và cuộc gọi rác thông qua các hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh từ người dân qua nhiều phương thức, như gọi điện, nhắn tin hoặc qua website.

Chặn hơn 394.000 thuê bao nghi ngờ gọi rác, lừa đảo trong 7 tháng đầu năm - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: LĐO

Giai đoạn 1 (2019 - tháng 6/2022): Đảm bảo thông tin thuê bao đầy đủ

Trong giai đoạn này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo và đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông di động rà soát thông tin thuê bao, đảm bảo tất cả các thuê bao đều có thông tin đầy đủ và chính xác.

Giai đoạn 2 (tháng 6/2022 - tháng 6/2023): Đảm bảo thông tin trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Dựa trên chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong Đề án 06, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an để hướng dẫn và giám sát các doanh nghiệp viễn thông kết nối dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư. Qua đó, các doanh nghiệp đã tiến hành rà soát, xác thực và xử lý các trường hợp có thông tin không trùng khớp. Kết quả, 17 triệu SIM có thông tin không trùng khớp đã được chuẩn hóa và đối soát.

Giai đoạn 3 (tháng 6/2023 - tháng 2/2024): Xử lý thuê bao một giấy tờ đứng tên nhiều SIM

Trong giai đoạn này, Bộ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động xử lý các thuê bao thuộc nhóm một giấy tờ cá nhân đứng tên từ 10 SIM trở lên, nhằm đảm bảo tính chính xác và an toàn của thông tin thuê bao.

Giai đoạn 4 (tháng 3/2024 đến nay): Thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm

Từ cuối năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 82 đoàn thanh tra do Bộ và Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện, tiến hành kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao trên cả nước. Các cuộc thanh tra tập trung vào 8 doanh nghiệp viễn thông di động, các chi nhánh và điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, cùng các tổ chức, cá nhân có đăng ký số lượng lớn SIM bất thường.

Ngày 20/8/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành kết luận thanh tra tại 8 doanh nghiệp viễn thông, xử phạt tổng cộng hơn 1,8 tỷ đồng.

Từ năm 2022 đến tháng 8/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông và lực lượng công an để phát hiện và xử lý 31 vụ sử dụng trạm BTS giả. Những vụ này liên quan đến phát tán tin nhắn giả mạo ngân hàng để lừa đảo và tin nhắn có nội dung đồi trụy, gây ảnh hưởng đến người dùng và an toàn thông tin.

Trong năm 2024, Cục Viễn thông đã xử lý các cuộc gọi rác từ dịch vụ điện thoại cố định tại 4 doanh nghiệp là CMC, VNPT, Viettel và FPT, với tổng mức xử phạt là 420 triệu đồng.

Từ đầu năm 2024, các nhà mạng đã chủ động chặn hơn 394.000 thuê bao có dấu hiệu gọi rác hoặc lừa đảo, tăng từ 40.000 thuê bao vào tháng 1 lên 65.000 thuê bao vào tháng 7. Trong năm 2023, trung bình mỗi tháng các nhà mạng chặn khoảng 51.000 thuê bao. Điều này cho thấy các biện pháp ngăn chặn đang ngày càng quyết liệt và hiệu quả hơn.

Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động xác thực thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan.

Theo văn bản số 877/BTTTT-CVT, từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu phát hiện SIM phát hành không đúng quy định trên thị trường. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ sẽ thanh tra và xử lý, đồng thời nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp.

Từ ngày 12/5/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức các đoàn kiểm tra quản lý thông tin thuê bao di động tại các doanh nghiệp. Để đảm bảo tuân thủ quy định, Bộ đã đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới trong 2 tháng đối với ba doanh nghiệp: Vietnamobile, VNSKY (từ 1/7 đến 31/8/2024) và Mobicast (từ 6/6 đến 5/8/2024).