Cây cầu thép từng dài thứ 2 thế giới do người Pháp thiết kế của Việt Nam kiên cường hơn 120 năm qua bao mùa lũ, bị bom đạn ném trúng 14 lần
(Thị trường tài chính) - Trải qua hơn 120 năm, bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết và bom đạn, cầu vẫn hiên ngang như một chứng nhân lịch sử.
Những ngày gần đây, sau cơn bão số 3, mưa lớn kéo dài khiến mực nước sông Hồng chảy qua địa bàn thành phố Hà Nội dâng cao và lên nhanh từng giờ, đặc biệt tại khu vực cầu Long Biên - một chứng nhân lịch sử đã có tuổi đời hơn 100 năm bắc qua sông Hồng.
Hình ảnh nước lũ chảy xiết, dâng gần sát mặt cây cầu "tiền bối" đã khiến nhiều người dân lo lắng. 15 giờ ngày 10/9, lực lượng chức năng ở Hà Nội bắt đầu cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng trên cầu Long Biên.
Trước những thương vong liên tiếp xảy ra khắp miền Bắc, mạng xã hội lại xuất hiện những hình ảnh về vị trí bung mối hàn lan can và mặt cầu Long Biên khiến không ít người hoang mang. Công ty CP Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý cầu Long Biên) ngay lập tức đã hàn có định kết cấu lan can này vào sáng 12/9. Công ty Hà Hải khẳng định, vị trí bong mối hàn là phần lan can, không thuộc kết cấu chịu lực, nên không ảnh hưởng đến người dân lưu thông.
Vậy là trong hơn 100 năm, cầu Long Biên lại một lần nữa vững chân chống chọi trước một cơn lũ dữ dội.
Trải qua gần 120 năm khai thác, do ảnh hưởng của chiến tranh và tốc độ đô thị hóa của Thủ đô và các vùng lân cận, tình trạng xuống cấp của cầu Long Biên là khó tránh khỏi. Ảnh: Internet
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, nối quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nội. Được Pháp xây dựng từ năm 1898 đến 1902 dưới thời Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, cầu dài 2.290m bắc qua sông và 896m cầu dẫn. Cầu có 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ, với thiết kế độc đáo: một đường ray xe lửa ở giữa và hai làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ ở hai bên.
Vào thời điểm khánh thành, cầu Long Biên được coi là công trình kiến trúc vĩ đại nhất phương Đông. Đến nay, trên cầu vẫn còn tấm biển kim loại khắc dòng chữ 1899-1902, Daydé & Pillé - Paris. Sau nhiều lần bị hư hại do bom đạn và được sửa chữa, cầu Long Biên trở thành cây cầu dài thứ 2 trên thế giới và nổi bật nhất ở Viễn Đông thời bấy giờ (chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ) với tên gọi là Doumer. Với kiến trúc ấn tượng, cầu từng được ví như "tháp Eiffel nằm ngang" giữa lòng Hà Nội. Năm 1945, cầu Doumer được đổi tên thành cầu Long Biên.
Công trình cầu Long Biên bắt đầu được khai móng vào tháng 9/1898. Một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình xây dựng là sự thay đổi mực nước sông Hồng, với mức nước có thể tăng thêm 8m vào mùa mưa lũ và dòng chảy đạt tốc độ 4m/giây. Vì lý do này, công việc xây dựng được tiến hành từ tháng 11 đến tháng 6 hàng năm và tạm dừng trong mùa lũ.
Cầu Long Biên khi xây dựng năm 1901. Ảnh: Viện TTKHXH
Đào móng để xây dựng các trụ cầu là một công đoạn kỹ thuật phức tạp và nguy hiểm. Để thực hiện, các công nhân phải làm việc vào mùa nước cạn. Công việc đào móng được thực hiện ở độ sâu lên tới 30m, sử dụng phương pháp do kỹ sư Jacques Triger phát minh. Phương pháp này bao gồm việc sử dụng máy nén khí và một giếng chìm ép, được điều áp để ngăn nước tràn vào. Giếng chìm sau đó trở thành một khoang điều áp có nắp. Phương pháp này tương tự như kỹ thuật đã được sử dụng cho cầu Brooklyn ở New York và tháp Eiffel.
Lễ khánh thành lối lên cầu ngày 25/4/1924. Ảnh: Viện TTKHXH
Ban đầu, công nhân chủ yếu là người Hoa, đặc biệt là những người chuyên lắp đặt đinh tán. Sau đó, công nhân người Việt đã học được kỹ thuật này và thay thế dần công nhân người Hoa. Tổng số công nhân tham gia vào dự án lên tới từ 2.000 đến 3.000 người, làm việc dưới sự giám sát của 40 kỹ sư và quản đốc. Họ vận hành thiết bị nâng và lắp đặt đinh tán, làm việc suốt ngày đêm dưới ánh sáng đèn điện.
Các kết cấu quan trọng như dầm thép và bu lông được chuyển từ Pháp sang và sau đó được lắp ráp tại chỗ bởi công nhân Việt Nam. Trong quá trình xây dựng, khoảng 30.000m3 đá, 6.000 tấn kim loại và 2.000m3 gỗ để dựng giàn giáo đã được sử dụng để hoàn thành cây cầu thép này.
Cầu Long Biên ban đầu được thiết kế chỉ dành cho đường sắt, với hai bên cầu có vỉa hè rộng 1,3m cho người đi bộ, xe kéo và xe đạp. Ô tô khi đó phải qua sông bằng phà. Đến năm 1914, việc cải tạo cầu để dành cho ô tô đã được cân nhắc, nhưng phải chờ đến sau Thế chiến I thì việc mở rộng để có làn đường bộ mới được thực hiện.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cầu Long Biên đã phải hứng chịu 14 lần bị ném bom. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965-1968), máy bay Mỹ đã ném bom cầu Long Biên 10 lần, làm hư hại 7 nhịp cầu và 4 trụ lớn. Trong cuộc chiến phá hoại lần thứ hai (1972), cầu bị tấn công 4 lần, làm hỏng 1.500m cầu và cắt đứt hai trụ lớn. Để duy trì giao thông, các nhịp cầu bị hư hỏng nặng đã được thay thế bằng các dầm bán vĩnh cửu.
Vào năm 1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, cầu Long Biên đã trở thành nhịp dẫn đưa hàng nghìn người dân từ ngoại ô đến với Bác. Cây cầu đã ghi lại những khoảnh khắc tự hào và hạnh phúc của người dân trong thời điểm lịch sử đó.
Sau hơn một thế kỷ tồn tại, trải qua thời gian và chiến tranh, cầu Long Biên chỉ còn lại một nhịp kép phía Bắc, một nhịp kép phía Nam và nửa nhịp kép giữa sông là giữ được phần lớn vẻ đẹp nguyên bản của mình. Từ khi được khánh thành với danh xưng “một trong bốn cây cầu lớn nhất thế giới” hay “công trình sắt thép đồ sộ nhất Đông Dương”, cầu Long Biên vẫn không bị lu mờ giữa những cây cầu hiện đại khác. Thay vào đó, vẻ rỉ sét và cổ kính càng tôn vinh giá trị lịch sử và kiến trúc của cây cầu.