HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Cảnh báo những người đang sử dụng thứ này có thể bị giảm ít nhất 10 năm tuổi thọ

Hải Châu

(Thị trường tài chính) - Mỗi năm, Việt Nam phải chi ra khoảng 108.000 tỷ đồng cho các chi phí liên quan đến tác hại của thuốc lá.

Tại một hội thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về tác hại của thuốc lá và những biện pháp kiểm soát tiêu dùng hồi tháng 8 năm nay, TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, đã nhấn mạnh, thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có hàng chục nghìn người tử vong vì ảnh hưởng của thuốc lá.

Theo các nghiên cứu, người hút thuốc trung bình hấp thụ từ 1-2mg nicotine và khoảng 69 chất gây ung thư. Dùng thuốc lá trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư phổi và nhiều loại ung thư khác.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có tiền sử hút thuốc lên đến 96,8%. Đây là một con số báo động. Hiện tại, các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73% tổng số ca tử vong tại Việt Nam, với nguyên nhân chính là tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Dẫn chứng về tác động kinh tế, vào năm 2020, các chuyên gia ước tính người dân Việt Nam đã chi khoảng 49.000 tỷ đồng mỗi năm chỉ để mua thuốc lá. Hệ lụy từ việc tiêu thụ thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn tạo ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế và nền kinh tế quốc gia.

Cảnh báo những người đang sử dụng thứ này có thể bị giảm ít nhất 10 năm tuổi thọ - ảnh 1

Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có tiền sử hút thuốc lên đến 96,8%. Ảnh: Internet

Theo Hội Kinh tế Y tế Việt Nam, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá lên tới 108.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, chi phí điều trị trực tiếp các bệnh liên quan đến thuốc lá là 19.000 tỷ đồng, chi phí gián tiếp do người bệnh phải nghỉ việc và người thân phải chăm sóc là 6.000 tỷ đồng, còn tổn thất lớn nhất đến từ các trường hợp tử vong sớm, lên tới 85.000 tỷ đồng. Người hút thuốc có thể mất đi ít nhất 10 năm tuổi thọ. 

Nghiêm trọng hơn nữa, thuốc lá còn gây suy giảm chất lượng lao động khi hơn 45 triệu người Việt đang đối mặt với nguy cơ mắc bệnh và tử vong sớm. Đặc biệt, phần lớn những người tử vong là trong độ tuổi lao động, gây ra hậu quả lâu dài về mặt kinh tế và nguồn nhân lực.

Mặc dù Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá, tỷ lệ người hút thuốc vẫn chưa giảm như mong đợi, với mục tiêu giảm 30% vào năm 2030 vẫn còn xa vời. Một nguyên nhân chính là giá thuốc lá tại Việt Nam quá rẻ. Mặc dù thu nhập bình quân của người dân tăng lên, giá thuốc lá vẫn không thay đổi, khiến xu hướng tiêu thụ thuốc lá không những không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng từ năm 2020.

Cảnh báo những người đang sử dụng thứ này có thể bị giảm ít nhất 10 năm tuổi thọ - ảnh 2

Thuốc lá gây suy giảm chất lượng lao động khi hơn 45 triệu người Việt. Ảnh minh họa

ThS. BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của WHO tại Việt Nam, cho biết thuế và giá thuốc lá quá thấp là nguyên nhân chính khiến việc kiểm soát tiêu dùng thuốc lá trở nên khó khăn, dẫn đến việc không thể đạt được mục tiêu sức khỏe bền vững.

Một nghịch lý đáng chú ý là giá một hộp sữa tươi 110ml dao động từ 12.000 - 15.000 đồng, trong khi một bao thuốc lá chỉ có giá từ 7.000 - 10.000 đồng. Các chuyên gia khuyến nghị rằng tăng thuế thuốc lá là giải pháp hiệu quả và nhanh chóng nhất để kiểm soát tình trạng này.

Để giảm thiểu và phòng chống tác hại của thuốc lá, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định quan trọng như cấm quảng cáo thuốc lá, cấm sử dụng thuốc lá nơi công cộng,... đồng thời, triển khai các chính sách thuế. Tuy nhiên, các chính sách thuế hiện tại vẫn ở mức thấp, dẫn đến hiệu quả trong việc giảm tác hại của thuốc lá chưa cao, tỷ lệ sử dụng thuốc lá vẫn chưa giảm đáng kể.

Cảnh báo những người đang sử dụng thứ này có thể bị giảm ít nhất 10 năm tuổi thọ - ảnh 3

Việt Nam đã ban hành nhiều quy định quan trọng cũng như triển khai các chính sách thuế. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống

Phòng chống tác hại của thuốc lá là một chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự đồng bộ trong các chính sách và sự vào cuộc mạnh mẽ từ nhiều phía để xây dựng một môi trường không khói thuốc. Các chuyên gia nhấn mạnh, nâng cao năng lực truyền thông về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là đối với các sản phẩm thuốc lá mới, là một biện pháp quan trọng để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng.