Thủy sản Cửu Long An Giang báo lãi 2,6 tỷ đồng trong quý I, phí vận chuyển tăng mạnh
(Thị trường tài chính) - Mới đây, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HoSE: ACL) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024.
Theo báo cáo, Thủy sản Cửu Long An Giang đạt doanh thu thuần 316,1 tỷ đồng, tăng 126,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng đạt 276,8 tỷ đồng, tăng 144,4%. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 39,3 tỷ đồng, tăng 49%.
Trong quý, chi phí bán hàng đạt 21 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tăng chi phí vật liệu, bao bì và vận chuyển. Chi phí vận chuyển và phí khác tăng từ 3,5 tỷ đồng lên 9,3 tỷ đồng, tương đương tăng 2,6 lần so với quý I/2023. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 65% lên 10,9 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí nhân viên.
Kết quả, ACL báo lãi 2,6 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
ACL cho biết kết quả kinh doanh chủ yếu là do doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng mạnh, trong khi giá vốn hàng bán cũng tăng, dẫn đến lợi nhuận gộp tăng so với cùng kỳ. Các chi phí bán hàng cũng tăng hơn 113%.
Năm 2024, ACL dự kiến lợi nhuận trước thuế 80 tỷ đồng và doanh thu thuần và cung cấp dịch vụ 1.400 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 3,25% và 22,5% kế hoạch năm.
Tính đến cuối quý I/2024, tổng tài sản của ACL giảm nhẹ xuống 1.694 tỷ đồng, giảm 3,2% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt là 2,6 tỷ đồng; tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn 47,4 tỷ đồng, giảm 33%. ACL cũng có khoản xây dựng cơ bản dở dang ở mức 6,1 tỷ đồng, chủ yếu trong quyền khai thác đất bãi bồi vùng nuôi Mỹ Hòa Hưng (1,7 tỷ đồng) và các công trình khác (4,3 tỷ đồng).
Đáng chú ý, ACL có khoản nợ xấu là 18,6 tỷ đồng, và đã trích lập dự phòng toàn bộ số nợ xấu này. Tổng nợ phải trả của Cửu Long An Giang ở mức 892,7 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tài chính ở mức 764,6 tỷ đồng, giảm 4,7% so với hồi đầu năm.
Theo báo cáo mới công bố từ ABS Research nhận định, triển vọng kinh doanh năm 2024 của Thủy sản Cửu Long An Giang sẽ lạc quan hơn nhờ nhu cầu tiêu dùng toàn cầu hồi phục dần khi lạm phát hạ nhiệt. Tuy nhiên, ABS Research vẫn lưu ý về tốc độ hồi phục có thể vẫn ở mức chậm trong giai đoạn đầu năm.
Bên cạnh đó, ABS cũng đưa ra một số lưu ý đối với việc nguồn cung cá tra dự kiến bị thu hẹp trong năm 2024 cũng như việc rủi ro chi phí vận chuyển tăng cao ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Theo đó, căng thẳng trên Biển Đỏ hiện nay đang gây ra khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa xuất khẩu nói chung và hàng thủy sản nói riêng vì cước vận chuyển tăng cao. Giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng.