HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Phân lân Ninh Bình: Lợi nhuận tăng mạnh, khoản tiền gửi ngân hàng gấp 6,8 lần

Nhị Hà

(Thị trường tài chính) - Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình (mã: NFC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với kết quả khá tươi sáng.

Trong kỳ, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 296,1 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán cũng tăng 19%, lên mức 239,7 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 56,3 tỷ đồng, tăng mạnh 72%.

Trong quý, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của NFC đều tăng cao, lần lượt đạt 24,4 tỷ đồng (tăng 96%) và 11,9 tỷ đồng (tăng 65%). Tổng lợi nhuận trước thuế của NFC đạt 20,3 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành ở mức 4,2 tỷ đồng, cao gấp 1,8 lần so với cùng kỳ, nên lợi nhuận sau thuế còn 16,1 tỷ đồng, tăng 53%.

Phân lân Ninh Bình: Lợi nhuận tăng mạnh, khoản tiền gửi ngân hàng gấp 6,8 lần - ảnh 1
Phân lân Ninh Bình báo lãi lớn

Lũy kế nửa đầu năm 2024, doanh thu bán hàng của NFC đạt 575,9 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm chiếm tới 99,9% tổng doanh thu, đạt 575,8 tỷ đồng. Sau khi trừ hàng bán bị trả lại, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 575,7 tỷ đồng, tăng 47%.

Chi phí bán hàng trong nửa đầu năm tăng đột biến gấp 1,9 lần, lên mức 43,4 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí dịch vụ mua ngoài tăng từ 16,6 tỷ đồng lên 31,4 tỷ đồng. Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của NFC đạt 26,5 tỷ đồng, tăng 42%.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của NFC tại ngày 30/6 đạt 287,1 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với mức 290,1 tỷ đồng tại ngày đầu năm 2024. Đáng chú ý, khoản tiền gửi ngân hàng tăng mạnh gấp 6,8 lần, lên mức 70,3 tỷ đồng. Tiền gửi tại ngân hàng TMCP Công thương tỉnh Ninh Bình thông qua các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng, lãi suất 2,5%/năm đạt 38,5 tỷ đồng, trong khi đầu năm 2024 không ghi nhận khoản này. Các khoản tiền gửi ngân hàng khác tăng từ 10,2 tỷ đồng lên 31,8 tỷ đồng.

Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 3,5%, lên mức 110 tỷ đồng. Trả trước cho người bán ngắn hạn tăng từ 0,8 tỷ đồng lên 8 tỷ đồng. Hàng tồn kho của NFC tại ngày 30/6 giảm sâu 44%, còn 92,6 tỷ đồng, chủ yếu do giảm mục thành phẩm từ 66,5 tỷ đồng xuống còn 27,6 tỷ đồng.

Nợ của doanh nghiệp tại ngày 30/6 đạt 83,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,4% so với mức 84,9 tỷ đồng tại ngày đầu năm. Khoản phải trả người lao động tăng gấp 1,9 lần, đạt 25 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm từ 32,4 tỷ đồng đầu năm xuống không còn khoản vay ngắn hạn vào cuối kỳ, và NFC cũng không có khoản vay dài hạn tại ngày 30/6.