HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Ông Trịnh Văn Quyết bị ho ra máu, viêm dạ dày, suy thận cấp... xin hoãn phiên tòa

Quang Vinh

(Thị trường tài chính) - Đến ngày 19/12, vợ ông Trịnh Văn Quyết nộp tiếp 150 tỷ đồng. Qua đó, tổng số tiền cựu Chủ tịch FLC cùng gia đình đã nộp khắc phục hậu quả là hơn 600 tỷ đồng.

Ngày 26/12, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo. Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái kháng cáo xin giảm nhẹ mức án phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự. Bị cáo Lê Văn Tuấn (Kiểm toán viên Công ty CPA) và Đỗ Như Tuấn (cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros) kháng cáo toàn bộ bản án, trong khi 45 bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt, chuyển án tù sang án treo hoặc miễn, giảm tiền bồi thường.

Ông Trịnh Văn Quyết bị ho ra máu, viêm dạ dày, suy thận cấp... xin hoãn phiên tòa - ảnh 1
Ông Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa sơ thẩm xét xử hồi tháng 8 (Ảnh: Giang Long - Báo Tuổi Trẻ)

Song, theo Báo Tuổi Trẻ, khi phiên tòa bắt đầu lúc 9h30, ông Trịnh Văn Quyết vắng mặt. Thư ký phiên tòa báo cáo ông Quyết có đơn xin hoãn phiên tòa. Nhiều bị cáo khác cũng vắng mặt và xin hoãn xét xử. Theo đó, trong 134 bị hại kháng cáo thì chỉ 5 người có mặt, 35 người có đơn xin hoãn xét xử.

Chủ tọa yêu cầu cán bộ công an thông báo lý do không trích xuất được ông Trịnh Văn Quyết. Thượng tá Hoàng Xuân Quang cho biết, trại tạm giam T16 xác nhận tình hình sức khỏe ông Quyết đang điều trị tại Bệnh viện 198 vì bị bệnh lao. Bệnh viện cũng có giấy xác nhận chuẩn đoán ông Quyết bị hen phế quản, ho lao, dị ứng thuốc ho ra máu. Bệnh viện cho rằng ông Quyết cần được điều trị tích cực và không thể ra tòa. 

Trước phiên phúc thẩm, ông Trịnh Văn Quyết đã có đơn gửi chủ tọa Võ Hồng Sơn và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội xin hoãn xét xử. Trong đơn, cựu Chủ tịch FLC trình bày "sức khỏe đang không được tốt để có thể tới tham dự phiên tòa phúc thẩm". Ông cho biết trong quá trình điều trị bệnh lao ác tính, do dị ứng thuốc nên bị ho ra máu, viêm gan, viêm dạ dày, suy thận cấp và đang phải điều trị tích cực. Toàn bộ hồ sơ bệnh án của ông Trịnh Văn Quyết đã được gửi kèm với đơn xin hoãn phiên tòa phúc thẩm.

Ông cũng cho rằng luật sư mà gia đình mời ở giai đoạn phúc thẩm chưa có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án để thực hiện trách nhiệm bào chữa. Bên cạnh đó có luật sư bận đi công tác nước ngoài nên không thể tham gia bào chữa cho cựu Chủ tịch FLC.

Ông Trịnh Văn Quyết bị ho ra máu, viêm dạ dày, suy thận cấp... xin hoãn phiên tòa - ảnh 2
Ông Nguyễn Tiến Dũng, cựu Tổng Giám đốc Faros được dẫn giải đến phiên tòa phúc thẩm (Ảnh: Giang Long - Báo Tuổi Trẻ)

Ngoài ra, luật sư của bị cáo Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó Chủ tịch FLC) cũng có đơn xin hoãn phiên tòa vì đang trùng lịch bào chữa cho thân chủ khác trong một vụ án khác. Tương tự, luật sư của các bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Văn Đại, Nguyễn Văn Mạnh… cũng có đơn xin hoãn phiên tòa. Lý do giữa tháng 12 các luật sư mới được sao chụp hồ sơ vụ án nên cần thời gian nghiên cứu kỹ.

Ông Quyết xin bán tài sản đang bị kê biên để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án

Trước đó đầu tháng 8, ông Trịnh Văn Quyết bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán và 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng mức hình phạt tòa tuyên đối với ông Trịnh Văn Quyết là 21 năm tù. 2 em gái ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC) bị tuyên 14 năm tù và Trịnh Thị Thúy Nga (Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) bị phạt 8 năm tù. Ngoài trách nhiệm hình sự, tòa sơ thẩm tuyên buộc cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết liên đới với em gái là Trịnh Thị Minh Huế bồi thường cho các nhà đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết bị ho ra máu, viêm dạ dày, suy thận cấp... xin hoãn phiên tòa - ảnh 3
Bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ruột ông Quyết) bị dẫn giải đến phiên tòa phúc thẩm (Ảnh: Giang Long - Báo Tuổi Trẻ)

Ở giai đoạn sơ thẩm ông Quyết được cơ quan tố tụng ghi nhận đã nộp hơn 254 tỷ. Sau phiên tòa sơ thẩm, vợ ông Quyết đã nộp thêm 203 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho chồng. Đến ngày 19/12, vợ ông nộp tiếp 150 tỷ đồng. Tổng số tiền cựu Chủ tịch FLC cùng gia đình đã nộp khắc phục hậu quả là hơn 600 tỷ đồng. Đối với số tiền còn lại, trong đơn gửi tòa ông Quyết đề đạt nguyện vọng sẽ huy động tiền từ người thân, bạn bè và xin được bán tài sản đang bị kê biên thì sẽ đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.

Vợ của cựu Chủ tịch FLC cũng có đơn xin tòa căn cứ nghị quyết 164 (ngày 28/11/2024) của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng tài sản trong quá trình điều tra truy tố xét xử một số vụ việc vụ án hình sự, để ra quyết định cho mua bán, chuyển nhượng toàn bộ tài sản đang bị kê biên nhằm khắc phục hậu quả. Ông Quyết cho rằng nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, các tài sản đang bị kê biên đều có giấy tờ pháp lý nên nếu được cơ quan tố tụng cho phép thì "trong quý I/2025 sẽ xử lý xong". Ông tự nguyện dùng tiền thu được từ việc xử lý tài sản đang bị kê biên để khắc phục hậu quả vụ án.

Ý kiến bạn đọc