HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Ngành bán lẻ Việt Nam: Bước ngoặt phục hồi mạnh mẽ năm 2025

Nhị Hà

(Thị trường tài chính) - Báo cáo mới đây của Chứng khoán MB (MBS) cho thấy bức tranh phục hồi của ngành bán lẻ Việt Nam đang có sự phân hóa rõ rệt giữa các phân khúc hàng thiết yếu và không thiết yếu. Trong khi một số chuỗi bán lẻ thực phẩm và dược phẩm đạt được những bước tiến tích cực, các doanh nghiệp bán lẻ điện tử tiêu dùng vẫn đối mặt với thách thức tái cơ cấu để tối ưu hóa chi phí và lợi nhuận.

Năm 2025:  Dự báo ngành tạp hóa và dược phẩm phục hồi mạnh mẽ

Năm 2024 khép lại với những tín hiệu tích cực từ các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam. Các chuỗi bán lẻ ICT-CE (công nghệ - điện tử) ghi nhận lợi nhuận ròng tăng trưởng trung bình 1,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi ngành trang sức và tạp hóa cũng có những bước tiến vững chắc với mức tăng trưởng lần lượt 10% và đạt lãi ròng trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, xu hướng thắt chặt chi tiêu sau đại dịch vẫn hiện hữu, khiến tổng doanh thu bán lẻ chỉ đạt mức tăng trưởng 5,8%, thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước COVID-19.

Ngành bán lẻ Việt Nam: Bước ngoặt phục hồi mạnh mẽ năm 2025 - ảnh 1

Bước sang năm 2025, với sự lan tỏa mạnh mẽ từ khu vực sản xuất, thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng đáng kể. Điều này sẽ tạo động lực phục hồi cho nhiều phân khúc bán lẻ, đặc biệt là ngành tạp hóa và dược phẩm. Dự báo, tổng số cửa hàng vật lý của các chuỗi tạp hóa lớn như Bách Hóa Xanh (BHX) và WinCommerce (WCM) sẽ tăng 9% trong năm, hỗ trợ tăng trưởng doanh thu toàn ngành.

Hàng thiết yếu dẫn đầu tăng trưởng

Các chuỗi bán lẻ thực phẩm như Bách Hóa Xanh (BHX) và WinCommerce (WCM) ghi nhận sự phục hồi ấn tượng trong năm 2024 với doanh thu trung bình tăng 15% so với cùng kỳ, nhờ thu hút lượng khách hàng từ các chợ truyền thống. Sau khi đạt lợi nhuận ròng trong năm 2024, hai chuỗi này được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng trong năm 2025, tận dụng xu hướng tiêu dùng chuyển dịch sang mô hình bán lẻ hiện đại.

Ngành bán lẻ Việt Nam: Bước ngoặt phục hồi mạnh mẽ năm 2025 - ảnh 2

Ngành dược phẩm: Động lực tăng trưởng bền vững

Ngành bán lẻ dược phẩm tiếp tục là điểm sáng khi các chuỗi nhà thuốc hiện đại như Long Châu, An Khang và Pharmacity ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Từ năm 2019-2024, Long Châu dẫn đầu với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) lên tới 74%, đẩy tỷ lệ thâm nhập của nhà thuốc hiện đại từ 2% lên 8%.

Dù tốc độ mở rộng cửa hàng có thể chậm lại vào năm 2025, tiềm năng tăng trưởng của ngành này vẫn rất lớn do thị trường phân mảnh và lợi thế vượt trội của các chuỗi hiện đại về chất lượng sản phẩm, giá cả ổn định và dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp.

Hàng không thiết yếu chờ cơ hội phục hồi

Sau thời gian tập trung tái cơ cấu và đóng cửa những cửa hàng hoạt động không hiệu quả, các doanh nghiệp bán lẻ điện tử tiêu dùng như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, và FPT Shop dự kiến sẽ phục hồi từ năm 2025 khi chi tiêu tiêu dùng cải thiện. Đặc biệt, nhu cầu các sản phẩm điện tử tiêu dùng được kỳ vọng khởi sắc khi nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng.

Trang sức: Tăng trưởng từ năm 2025

Ngành trang sức hiện đang chịu tác động từ sự phục hồi chậm của kinh tế. Tuy nhiên, MBS dự báo nhu cầu sẽ cải thiện trong giai đoạn 2025-2026 nhờ thu nhập người lao động tăng lên, với giá trị thị trường dự kiến tăng trưởng 4% trong giai đoạn này.

Bên cạnh thu nhập khả dụng tăng, đô thị hóa nhanh và sự thay đổi hành vi tiêu dùng của thế hệ mới đang tạo cơ hội lớn cho các mô hình bán lẻ hiện đại. Sự ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và chiến lược bán hàng đa kênh (omni-channel) cũng được xem là yếu tố thúc đẩy doanh thu. Đáng chú ý, từ cuối năm 2024 đến năm 2025, khoảng 8 trung tâm thương mại lớn sẽ đi vào hoạt động, đánh dấu sự gia tăng sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hai cổ phiếu nổi bật trong năm 2025

MBS đánh giá tích cực cổ phiếu MWG (Thế Giới Di Động) nhờ nhu cầu tiêu dùng điện tử dự kiến phục hồi, cùng với lợi nhuận ấn tượng từ BHX, dự kiến đạt khoảng 600 tỷ đồng trong năm 2025. Trong khi đó, PNJ (Phú Nhuận Jewelry) cũng được nhận định có tiềm năng lớn nhờ mức định giá hấp dẫn và dự báo lợi nhuận ròng tăng trưởng 16% so với cùng kỳ.