Mùa Trung thu, “soi” tài chính doanh nghiệp ngành bánh kẹo
(Thị trường tài chính) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành bánh kẹo tiếp tục chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ về kết quả kinh doanh. Một số doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng ấn tượng, trong khi nhiều doanh nghiệp khác lại lao đao với những con số tài chính giảm sút đáng lo ngại.
Thực phẩm Hữu Nghị: Tăng trưởng đột phá nhờ quản lý chi phí hiệu quả
Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị (UPCoM: HNF) đã ghi dấu ấn tích cực trong bức tranh kinh doanh ngành bánh kẹo năm 2024. Với việc tập trung vào quản lý chi phí, đặc biệt là chi phí tài chính, công ty đã đạt được kết quả ấn tượng trong quý II/2024.
Cụ thể, doanh thu thuần của Thực phẩm Hữu Nghị đạt 361 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Dù doanh thu tài chính tăng gấp ba lần, nhưng vẫn chỉ dừng ở mức 5,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm sáng của Hữu Nghị nằm ở việc cắt giảm mạnh chi phí lãi vay, từ 17,5 tỷ đồng xuống chỉ còn 7,3 tỷ đồng trong quý II/2024.
Kết quả, Thực phẩm Hữu Nghị báo lãi sau thuế 40,6 tỷ đồng, tăng gần 8 lần so với cùng kỳ. Theo doanh nghiệp, việc đẩy mạnh đầu tư vào chi phí quản lý, thúc đẩy bán hàng và hỗ trợ thị trường đã giúp doanh thu tăng cao đáng kể, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, công ty đạt doanh thu 813 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng, tăng gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này đã giúp Thực phẩm Hữu Nghị hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm.
KIDO và Hải Hà: Đối mặt thách thức lớn trong 6 tháng đầu năm
Trái ngược với Thực phẩm Hữu Nghị, Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (KDC) và Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà (HNX: HHC) lại đối mặt với nhiều khó khăn, với kết quả kinh doanh sụt giảm đáng kể.
KIDO đã công bố Báo cáo Tài chính quý II/2024 với mức lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 10,9 tỷ đồng, giảm gần 99% so với cùng kỳ năm trước. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc KIDO, cho biết nguyên nhân chính là do tái cấu trúc mô hình kinh doanh và những biến động từ thị trường đã tác động mạnh đến doanh nghiệp.
KIDO đã đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 là 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 6 tháng đầu năm, công ty mới chỉ đạt 27% mục tiêu doanh thu và 6% mục tiêu lợi nhuận. Đồng thời, tổng tài sản của KIDO cũng giảm 8%, còn 11.377 tỷ đồng, do sự suy giảm các khoản tiền và tương đương tiền cùng các khoản đầu tư ngắn hạn.
Cổ phiếu KDC trên thị trường chứng khoán cũng liên tục lao dốc từ đầu tháng 6, giảm khoảng 18% chỉ sau gần 2 tháng, đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/8 ở mức 54.500 đồng/cổ phiếu.
Cùng tình cảnh, Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh trong quý II/2024. Doanh thu thuần của công ty đạt 135 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ còn 2,9 tỷ đồng, giảm 55%. Mặc dù doanh thu tài chính tăng nhờ lãi tiền gửi và tiền cho vay, nhưng sự gia tăng chi phí bán hàng và chi phí tài chính đã bào mòn lợi nhuận của Hải Hà.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Hải Hà báo cáo doanh thu thuần đạt 342 tỷ đồng, giảm 8%, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng 41%, đạt 24 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.