HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Lợi nhuận Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) rơi về đáy 10 năm bất chấp ngành điện khởi sắc

Theo Phạm Hường/Kinh tế Chứng khoán

Năm 2024, dù ngành điện khởi sắc, NT2 ghi nhận lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 76 tỷ đồng, giảm 85% so với 2023 và thấp nhất từ năm 2014. Nguyên nhân chính đến từ nguồn cung khí giảm và sự cạnh tranh của năng lượng tái tạo, khiến tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Tại cuộc họp Hội đồng quản trị (HĐQT) thường kỳ lần thứ IV, Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) đã nhìn nhận năm 2024 là một trong những năm khó khăn nhất kể từ khi Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 bắt đầu vận hành thương mại vào năm 2011.

Ngành điện khởi sắc, lợi nhuận Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) lại bất ngờ rơi về đáy 10 năm
Hình minh họa

Theo báo cáo, năm 2024, NT2 ghi nhận sản lượng điện đạt 2,72 tỷ kWh, tương đương 85% kế hoạch năm. Tổng doanh thu đạt 6.093 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch năm, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 76 tỷ đồng, giảm tới 85% so với năm 2023. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2014, đánh dấu một giai đoạn đầy khó khăn cho công ty.

Riêng trong quý IV/2024, doanh thu của NT2 đạt 1.933 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ còn 62 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do nguồn cung khí giảm mạnh và sự cạnh tranh từ năng lượng tái tạo. Đồng thời, sản lượng điện theo hợp đồng phân bổ (Qc) cũng giảm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh.

Trước tình hình này, HĐQT đã chỉ đạo NT2 phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để đàm phán về bao tiêu khí và cước phí vận chuyển. Công ty cũng tiếp tục bám sát thị trường điện cạnh tranh, chuẩn bị các điều kiện tham gia thị trường điện bán buôn và tìm kiếm các hộ tiêu thụ lớn nhằm ổn định doanh thu. Ngoài ra, NT2 đang tích cực xử lý các khoản công nợ và cân đối dòng tiền để đảm bảo hiệu quả hoạt động cũng như lợi ích của cổ đông.

Kết quả kinh doanh của NT2 đi ngược lại tín hiệu khởi sắc của phần lớn doanh nghiệp điện. Cụ thể, kết thúc quý III/2024, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) mang về hơn 6.061 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 453 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 771% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến lợi nhuận của POW tăng đột biến, theo lãnh đạo doanh nghiệp chủ yếu là đến từ doanh thu tài chính do cổ tức và lãi chênh lệch tỷ giá tăng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận đạt hơn 21.686 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ gần 1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.111 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài POW, Công ty CP Thủy điện Thác Bà (TBC) cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc nhờ “thủy văn thuận lợi”. Trong quý III/2024, TBC đạt doanh thu gần 193 tỷ đồng, tăng hơn 135% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh hơn 330%, đạt 99 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của TBC đạt hơn 402 tỷ đồng, tăng hơn 25%, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt gần 180 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III/2024 tăng hơn 590% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 76 tỷ đồng, dù doanh thu thuần sụt giảm 5%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của QTP đạt hơn 9.024 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 2%, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng hơn 15%, đạt 464 tỷ đồng.

Trên đây chỉ là những cái tên tiêu biểu trong bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp ngành điện có mức lãi cao trong quý III/2024. Xét toàn cảnh, trong số 47 doanh nghiệp ngành điện đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024, 68% doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ. Đặc biệt, 6 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi, trong khi chỉ có 8 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sụt giảm. Điều này cho thấy ngành điện đang dần phục hồi và khởi sắc, phù hợp với bối cảnh tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện trong nước.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 232,6 tỷ kWh, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thủy điện chiếm 28,2%, nhiệt điện than chiếm 49,6%, tua-bin khí chiếm 7,4%, và năng lượng tái tạo chiếm 12,9%. Các nguồn điện mặt trời và điện gió đóng góp lần lượt 20,4 tỷ kWh và 8,85 tỷ kWh.