Lợi nhuận Hòa Phát tăng vọt 51%, hoàn thành 92% kế hoạch năm
(Thị trường tài chính) - Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 với những con số ấn tượng.
Tổng doanh thu đạt hơn 34.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 3.022 tỷ đồng, tăng mạnh 51% so với cùng kỳ, dù giảm so với quý II/2024.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát ghi nhận doanh thu hơn 105.000 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2023, và đạt 75% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 9.210 tỷ đồng, tăng vọt 140% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2024.
Về sản lượng thép, trong quý III/2024, Hòa Phát đã sản xuất gần 1,1 triệu tấn thép xây dựng và thép chất lượng cao, giảm 14% so với quý trước. Dù vậy, công ty vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu thị phần thép xây dựng tại Việt Nam với 38%. Sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) trong quý đạt 738.000 tấn, không thay đổi so với quý II.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát đã sản xuất 6,4 triệu tấn thép thô, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng thép bán ra đạt 6,1 triệu tấn, tăng 32%. Đóng góp vào đó là thép xây dựng và thép chất lượng cao với sản lượng 3,3 triệu tấn, tăng 29%. Thép cuộn cán nóng đạt 2,27 triệu tấn và phôi thép đạt 505.000 tấn.
Ngoài ra, các sản phẩm thép hạ nguồn của Hòa Phát cũng ghi nhận kết quả khả quan. Ống thép đạt 503.000 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ 2023, trong khi sản lượng tôn thép tăng ấn tượng 43%, đạt 344.000 tấn, vượt qua tổng sản lượng của cả năm 2023.
Hòa Phát hiện đang tập trung xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm. Phân kỳ đầu tiên của dự án dự kiến sẽ đưa vào chạy thử vào cuối năm 2024.
Lợi nhuận quý III/2024 của Hòa Phát đã vượt dự báo của nhiều chuyên gia phân tích. Theo báo cáo của Chứng khoán MB (MBS) cuối tháng 9/2024, các doanh nghiệp trong ngành thép phải đối mặt với thách thức từ thép giá rẻ của Trung Quốc, xuất phát từ nhu cầu yếu ở thị trường nội địa và các động thái điều tra chống bán phá giá của EU và Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước đã tăng trưởng mạnh 20%, nhờ đóng góp lớn từ thép xây dựng với mức tăng 25%.
Theo MBS, biên lợi nhuận gộp của ngành thép đã cải thiện do giá nguyên liệu đầu vào như than và quặng giảm lần lượt 17% và 12%, trong khi giá thép xây dựng giảm 9%. HPG dự kiến ghi nhận lợi nhuận ròng khoảng 2.257 tỷ đồng, tăng 13%, nhờ biên lợi nhuận gộp tăng 1 điểm % và chi phí tài chính giảm 7%.
Trong thời gian tới, MBS nhận định giá thép nội địa có thể phục hồi khi áp lực từ thép nhập khẩu Trung Quốc giảm, nhờ các biện pháp kích thích kinh tế mà nước này đã triển khai để hỗ trợ thị trường bất động sản. Các yếu tố như việc cải thiện nguồn cung nhà ở và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng được xem là những động lực tích cực cho thị trường thép trong nước. Doanh nghiệp thép trong nước kỳ vọng vào việc ban hành thuế chống bán phá giá trong tháng 12/2024, tạo cơ hội gia tăng thị phần.
Trước đó, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của HPG trong quý III/2024 lần lượt đạt 32.425 tỷ đồng và 2.242 tỷ đồng, tương ứng tăng 14% và 11% so với cùng kỳ năm trước.