HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Giải mã nguyên nhân khối ngoại có tháng bán ròng mạnh nhất lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán

Anh Vũ- Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Tháng 5/2024 trở thành một dấu mốc đáng nhớ khi khối ngoại thực hiện đợt bán ròng với quy mô cao kỷ lục. Đây là tháng bán ròng mạnh nhất trong lịch sử 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Khối ngoại bán ròng kỷ lục trong tháng 5

Kết thúc tháng 5/2024, VN-Index đóng cửa tại 1.261,72 điểm, phục hồi tăng 4,32% sau khi chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh trong tháng 4/2024. Đây là mức tăng khá trong bối cảnh tâm lý dè dặt bởi quan niệm “Sell in May”. Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường trong tháng 5 đạt 25.054 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 21.802, giảm nhẹ 1% so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn 5,7% so với mức bình quân 3 tháng đầu năm.

Giải mã nguyên nhân khối ngoại có tháng bán ròng mạnh nhất lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán
Trong tháng 5, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VHM với giá trị 4.774 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng gần 15.600 tỷ đồng, gấp 2,6 lần quy mô rút ròng của tháng 4. Con số này vượt qua mức bán ròng gần 11.800 tỷ đồng hồi tháng 5/2021 và là tháng bán ròng mạnh nhất trong lịch sử 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, khối ngoại bán ròng hơn 13.000 tỷ đồng.

Trong tháng 5, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VHM của Vinhomes với giá trị 4.774 tỷ đồng. Việc khối ngoại xả ròng cổ phiếu của Vinhomes đã kéo dài trong 7 tháng qua. Dưới sức ép rút ròng của khối ngoại, giá cổ phiếu VHM có nhịp giảm gần 4,8% về 38.850 đồng/cp.

Đứng thứ hai là cổ phiếu CTG của Vietinbank với quy mô 1.709 tỷ đồng. Thống kê trong tháng qua, cổ phiếu CTG bị khối ngoại bán ròng hầu hết các ngày trong tháng (chỉ mua ròng hai phiên 6/5 và 22/5 với tổng giá trị hơn 14 tỷ đồng). Trung bình, mỗi phiên khối này bán ròng 78 tỷ đồng. Giá trị lớn nhất rơi vào các phiên 28/5 (467 tỷ đồng), 29/5 (336 tỷ đồng), 27/5 (109 tỷ đồng) hay 15/5 (139 tỷ đồng). Chỉ riêng ba phiên gần nhất, giá trị bán ròng tổng cộng gần 910 tỷ đồng, chiếm hơn 53%.

Ngoài ra, khối ngoại cũng bán ròng nhiều cổ phiếu với giá trị hơn nửa nghìn tỷ như VPB (809 tỷ đồng), VRE (736 tỷ đồng), HDB (723 tỷ đồng), VND (674 tỷ đồng), VCB (629 tỷ đồng), VNM (628 tỷ đồng) và HPG (579 tỷ đồng). Chứng chỉ quỹ FUESSVFL cũng bị nhà đầu tư ngoại bán ròng 671 tỷ đồng xuyên suốt tháng 5.

Ngược lại, khối ngoại mua ròng cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế giới Di động với giá trị 1.551 tỷ đồng trong tháng5, dẫn đầu danh mục top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MWG vẫn diễn biến khởi sắc trên thị trường. Thị giá mã này có nhịp tăng hơn 15,8% trong tháng 5 để kết phiên tại 63.600 đồng/cp và vượt qua vùng đỉnh 1 năm tại 57.500 đồng/cp.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MWG cũng tăng lên đáng kể trong khoảng 2 tháng trở lại đây. Sau nhiều thời gian dài liên tục bán ra, dòng tiền ngoại có xu hướng trở lại gom cổ phiếu của ông lớn ngành bán lẻ. Tính đến hết ngày 31/5, “room ngoại” tại Đầu tư Thế giới Di động ghi nhận gần 48,75%.

Một số cổ phiếu cũng nằm trong danh mục gom mua của khối ngoại như DBC và HVN với giá trị lần lượt là 672 tỷ và 483 tỷ đồng. Theo sau là NLG (328 tỷ đồng), NVL (243 tỷ đồng), PVT (151 tỷ đồng), MSB (128 tỷ đồng), DCM (112 tỷ đồng), SAB (111 tỷ đồng) và HPG (106 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng hơn 286 tỷ đồng. Trong đó, mua hơn 313 tỷ đồng gom cổ phiếu IDC. Cổ phiếu MBS cũng được mua ròng với quy mô 151 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của GKM, HUT, TIG, … với giá trị dưới 50 tỷ đồng.

Trái lại, khối ngoại tập trung bán ròng 68 tỷ đồng ở cổ phiếu BVS, CEO bị bán 36,6 tỷ đồng. Các cổ phiếu VS, TNG, VCS,... bị bán với giá trị 25 tỷ đồng.

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng gần 3.693 tỷ đồng trong tháng 5. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất 1.626,3 tỷ đồng ở cổ phiếu MSR. Theo sau là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu ABB (882,8 tỷ đồng), VEA (751,6 tỷ đồng), MCH (195 tỷ đồng) và BSR (78 tỷ đồng).

Trái lại tại chiều mua, cổ phiếu DDV dẫn đầu với quy mô hơn 35,4 tỷ đồng. Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng gom ròng 15,7 tỷ đồng mã GHC và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như VPR, VNB và DGT.

Kịch bản cho thị trường chứng khoán tháng 6

Mặc dù chỉ chiếm chưa tới 10% giá trị giao dịch trên thị trường song động thái bán ròng của khối ngoại vẫn có sự tác động nhất định tới thị trường chung với nhiều câu hỏi về biến động của dòng vốn quốc tế. Một trong những nguyên nhân chính khiến vốn ngoại bán ròng chính là sự chênh lệch môi trường lãi suất, chính sách tiền tệ của Việt Nam có sự khác biệt cũng như tỷ giá leo thang. Những biến động chính trị cũng tác động đáng kể tới hành động của nhà đầu tư ngoại.

Theo ghi nhận, hoạt động tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu diễn ra mạnh trong vài tháng trở lại đây, những thị trường tăng trưởng yếu hơn, đồng tiền mất giá hay những thị trường cận biên như Việt Nam sẽ bị rút vốn mạnh để phân bổ vào những nơi thị trường hiệu quả hơn. Sự đảo chiều rút ròng từ các quỹ ETF và cả các quỹ chủ động cũng được ghi nhận xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi.

Một số câu chuyện riêng trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có thể gây ra tác động tiêu cực tới khối nhà đầu tư nước ngoài như việc chuyển đổi hệ thống mới KRX chưa thể thực hiện hay sự chênh lệch về tỷ trọng giữa các nhóm ngành trên sàn, thiếu những hàng "ngon" như nhóm ngành sản xuất, công nghiệp, công nghệ, y tế, chăm sóc sức khỏe,... Ngoài ra, việc một số cổ phiếu có câu chuyện riêng và tăng mạnh cũng dẫn tới kết quả là việc nhà đầu tư ngoại chốt lời.

Bước sang tháng 6, theo các chuyên gia, áp lực tỷ giá, lạm phát dự kiến vẫn duy trì cao có thể tác động đến thị trường chứng khoán. Mặt khác, cuối tháng 6 sẽ là thời điểm công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô, điển hình như tăng trưởng GDP quý 2. Với quý 1 tăng trưởng 5,3%, nếu quý 2 thấp, các quý còn lại sẽ cần cố gắng nhiều để hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6-6,5% như Chính phủ đã đề ra. Theo đó, các chính sách thúc đẩy kinh tế có thể được đưa ra trong giai đoạn tiếp theo, cũng tác động đến thị trường chứng khoán.

Khối ngoại bán ròng đột biến chưa từng có trong tháng VN-Index hồi phục
Nghiêng về kịch bản lạc quan, chuyên gia của VPBankS nhận định, thị trường thời gian tới có thể tăng nối tiếp tháng 5, song vẫn xuất hiện giằng co, không tăng mạnh nhưng chưa đủ xấu để tạo đỉnh.

Chưa kể nhiều quỹ ETF sẽ tiến hành cơ cấu danh mục. Trong khi đó, nhà đầu tư bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc tích lũy vị thế cổ phiếu trước mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024.

Nhìn chung, biến động của thị trường chứng khoán trong các tháng 6 không quá mạnh. Thống kê cho thấy có tới 16 năm, VN-Index ghi nhận mức biến động dưới 5% theo cả hai chiều tăng, giảm. Cùng với tháng 10, đây là 2 tháng mà thị trường ít biến động nhất trong năm khi nhìn vào dữ liệu lịch sử.

Lịch sử thị trường chứng khoán trong các tháng 6 cho thấy, VN-Index có 11 năm tăng điểm và 12 năm giảm điểm. Mức tăng mạnh nhất là 23,75% vào năm 2001, trong khi mức giảm mạnh nhất là 7,4% vào năm 2022. Gần nhất, tháng 6/2023, chỉ số tăng 45 điểm lên mức 1.120 điểm (+2,51%).

Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã đưa ra 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán tháng 6. Nếu VN-Index không giảm qua 1.250 điểm, thị trường có cơ hội tăng đến ngưỡng khoảng 1.300 – 1.320 điểm trong tháng 6. Diễn biến ngược chiều, nếu VN-Index điều chỉnh về ngưỡng 1.250 điểm và sau đó không có những nhịp phục hồi, không được ủng hộ bằng thanh khoản, thị trường có thể bước vào một cơn sóng "mùa hè" – sóng điều chỉnh, phù hợp với nhịp điều chỉnh của chứng khoán Mỹ. Sóng điều chỉnh này có thể kéo dài đến hết mùa hè, thị trường trở lại ngưỡng 1.200 điểm là cơ hội mua mới cho nhà đầu tư.

Thị trường hiện đang ở 2 vùng giao dịch rất quan trọng, vùng kháng cự 1.290 điểm và ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm. "Ở Việt Nam, xét theo tính chu kỳ, diễn biến thị trường tháng 6 thường đi theo tháng 5. Khi tháng 5 tăng giá thì tháng 6 cũng tăng và ngược lại. Do đó, có thể kỳ vọng sau khi có tháng 5 tăng mạnh vừa qua với mức tăng khoảng 4,8%, thị trường tháng 6 cũng sẽ tăng với mức tăng từ 2% - 4%, tương đương 1.305 – 1.330 điểm", ông Đức nhấn mạnh.

Nghiêng về kịch bản lạc quan, chuyên gia của VPBankS nhận định, thị trường thời gian tới có thể tăng nối tiếp tháng 5. Tuy nhiên, diễn biến thị trường tháng 6 sẽ vẫn xuất hiện giằng co, không tăng mạnh như tháng 5, nhưng chưa đủ xấu để tạo đỉnh.

Giải mã nguyên nhân khối ngoại có tháng bán ròng mạnh nhất lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán - ảnh 3Giao dịch khối ngoại tuần 27-31/5: Bán ròng hơn 8.100 tỷ đồng, một cổ phiếu sàn UPCoM bị xả đột biến

Thị trường trong tuần 27-31/5 vẫn duy trì được biên độ sideway 1.260-1.280 điểm nhưng đồng thời cũng ghi nhận diễn biến rung lắc mạnh ...

Giải mã nguyên nhân khối ngoại có tháng bán ròng mạnh nhất lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán - ảnh 4Rủi ro trên thị trường tài chính hạ nhiệt, nhà đầu tư xem xét giải ngân trở lại

Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua tuần giao dịch khá ảm đạm. Trong khi HVN, LPB, MWG,… là những mã đóng vai ...

Giải mã nguyên nhân khối ngoại có tháng bán ròng mạnh nhất lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán - ảnh 5

Chứng khoán tháng 6: Xuất hiện những nhịp điều chỉnh ngắn hạn

Chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán tháng 6 có thể gặp nhiều thử thách hơn và khả năng ngay trong tuần đầu tháng ...

Ý kiến bạn đọc