Chứng khoán Việt có tuần “đỏ lửa”, các chuyên gia nói gì?
VN-Index vừa trải qua tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2022, các chuyên gia chứng khoán nói gì về nhịp giảm sốc này?
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tuần giao dịch đầy biến động khi có nhiều luồng thông tin quốc tế và trong nước tác động đáng kể tới tâm lý nhà đầu tư. VN-Index “bốc hơi” hơn 100 điểm về mức 1.174, tương đương giảm 7,97% so với tuần trước, "thổi bay" gần 413.700 tỷ đồng (gần 16,2 tỷ USD) vốn hóa HoSE.
Trên sàn Hà Nội, các chỉ số chính cũng trải qua một tuần biến động rất mạnh theo chiều hướng giảm. Theo đó, chỉ số HNX-Index kết thúc tuần tại 220,8 điểm, giảm -8,51% so với tuần trước; chỉ số UPCoM-Index cũng giảm -4,44%, chỉ còn 87,16 điểm.
Hàng loạt cổ phiếu giảm từ 10-25% giá trị khiến nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu lo lắng |
Không chỉ các chỉ số chính, hàng loạt cổ phiếu theo đó cũng giảm từ 10-25% giá trị khiến nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu lo lắng. Điển hình như các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán với BSI (-20,70%), FTS (-18,70%), VDS (-17,31%), VIX (-16,41%)... Các cổ phiếu ngân hàng hầu hết cũng chịu áp lực bán mạnh như CTG (-11,98%), TPB (-11,23%), NVB (-10,68%), BID (-9,46%).... ngoài LPB (+2,81%), SGB (+0,68%).
Các mã bất động sản với FIR (-23,45%), CEO (-21,33%), DXG (-21,21%),… ngoài QCG (+23,96%) tăng giá đột biến. Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su cũng có diễn biến tương tự với DTD (-16,20%), KBC (-16,17%), BCM (-15,41%),…
Trong bối cảnh đó, khối ngoại tiếp tục có tuần bán ròng mạnh, mặc dù có trở lại mua ròng song giá trị không quá lớn. Tổng cộng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.413 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Các chuyên gia nói gì?
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, diễn biến của thị trường chứng khoán những ngày qua không phải điều quá bất ngờ.
Nhịp giảm mạnh xuất phát từ áp lực chốt lời đáng kể, đặc biệt VN-Index đã neo ở vùng đỉnh 19 tháng trong một khoảng thời gian khá dài. VN-Index đã tăng khá mạnh kể từ đầu năm (+11% từ đầu năm), khiến giá của nhiều cổ phiếu đang ở trạng thái tương đối đắt đỏ.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam |
"Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán giảm sâu. Đó là từ đầu tháng 4 đến nay, những rủi ro đã hiện hữu như giá USD tại Việt Nam tăng mạnh, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, thị trường chứng khoán của Mỹ giảm sâu. Thêm vào đó, thông tin về căng thẳng tại Trung Đông như “giọt nước tràn ly”, tạo hiệu ứng domino khiến thị trường giảm", ông Minh nói.
Bên cạnh đó, ông Minh cũng cho rằng, lãi suất huy động một số ngân hàng đã tăng, lãi suất cho vay chưa tăng theo hoặc nếu tăng chỉ tăng nhẹ.
"Nguyên nhân nữa là vì tăng trưởng tín dụng vẫn đang thấp. Khả năng cao, các ngân hàng sẽ phải hy sinh bớt lợi nhuận trong vài quý tới để bảo đảm vừa tăng trưởng tín dụng, nhưng không gây ra áp lực lãi suất quá lớn do Chính phủ vẫn đang duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ", ông Minh cho biết thêm.
Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích của SSI cho rằng, sự biến động của thị trường chứng khoán tuần qua có thể do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng trước thông tin căng thẳng giữa Iran - Israel. Không chỉ chứng khoán Việt Nam mà nhiều thị trường chứng khoán trong khu vực cũng giảm.
Bên cạnh đó, tỷ giá đồng USD tăng, giá vàng phi mã cùng việc thị trường sắp nghỉ lễ dài ngày cũng ảnh hưởng tới lực cầu, đẩy chứng khoán mất một lượng điểm lớn.
Còn ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty CP AZfin Việt Nam lại cho rằng, chứng khoán sụt giảm không có yếu tố bất ổn của kinh tế vĩ mô mà có thể do một nhóm nhà đầu tư lớn quyết định bán một số cổ phiếu trụ, kéo theo toàn bộ thị trường bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng domino và giảm theo.
"Rất có thể những nhà đầu tư này chịu áp lực tâm lý và bán bất chấp, khiến thị trường nhanh chóng lao dốc", ông Phục nói.
Ngoài ra, trên thị trường cũng đã xuất hiện những thông tin đồn đoán thất thiệt, tạo áp lực tâm lý lên nhà đầu tư.