Chứng khoán trước giờ giao dịch 11/10: Không nên mua đuổi khi VN-Index tiếp tục hướng đến 1.300 điểm
(Thị trường tài chính) - Trong ngắn hạn, chuyên gia SHS khuyến nghị xem xét gia tăng tỉ trọng khi các yếu tố vĩ mô tăng trưởng vượt kỳ vọng và vốn hóa thị trường ở mức hợp lý. Tuy nhiên, không khuyến nghị mua đuổi khi VN-Index tiếp tục hướng đến 1.300 điểm.
Tránh mua đuổi, nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt
Dòng tiền nhập cuộc tiếp diễn xu hướng gia tăng giúp chỉ số bật tăng, tiến lại vùng cản đỉnh cũ 1.292 -1.300. Tuy nhiên, động lực tăng điểm đến chủ yếu từ một số cổ phiếu lớn, trong khi nhóm cổ phiếu Ngân hàng và Chứng khoán chững lại với biên độ hẹp. Thị trường cần giai đoạn củng cố lại lực cầu tại vùng giá hiện tại. Mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3 đi kèm với niềm tin về sự khởi sắc về môi trường kinh doanh trong quý 4 được kỳ vọng là yếu tố xúc tác giúp dòng tiền luân chuyển mạnh mẽ hơn.
Theo Công ty Chứng khoán Asean (AseanS), nhà đầu tư nên duy trì danh mục, tránh mua đuổi và nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt với thông tin kết quả kinh doanh quý 3 tích cực. AseanS duy trì quan điểm đánh giá tốt về triển vọng thị trường trung và dài hạn, tuy nhiên nhà đầu tư nên lưu ý tới rủi ro tiềm ẩn có thể đến từ các thông tin sắp tới như Chỉ Số Giá Tiêu Dùng (CPI) của thị trường chứng khoán Mỹ, do đó cần quan sát các thị trường thế giới chặt chẽ để xác nhận liệu xu hướng tăng có thể tiếp diễn trong bao lâu.
Chuyên gia Công ty Chứng khoán BETA cho rằng, thị trường duy trì sự cải thiện cả về mặt tâm lý lẫn dòng tiền, nhà đầu tư cần tận dụng cơ hội nhưng cũng phải thận trọng. Việc khối ngoại quay lại mua ròng cho thấy niềm tin vào thị trường phục hồi, tạo lực đỡ cho xu hướng tăng điểm ngắn hạn, trong giai đoạn trước kỳ công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024. Nhà đầu tư nên cân nhắc tập trung vào các cổ phiếu của những doanh nghiệp có tiềm năng bứt phá mạnh trong kỳ báo cáo sắp tới. Để tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư nên kết hợp với thêm yếu tố nền tảng cơ bản tốt và khả năng tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, việc duy trì tỷ trọng cổ phiếu hợp lý là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh thị trường luôn tiềm ẩn những biến động khó lường.
Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán kiến thiết Việt Nam (CSI) cũng cho rằng, xu hướng đảo chiều tăng điểm vẫn chưa được xác nhận dù VN-Index đã có 3 phiên tăng điểm liên tiếp. Nhưng dù sao vẫn là tín hiệu tích cực củng cố cho quan điểm nắm giữ danh mục của SCI, tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu bùng nổ xác định sự đảo chiều mới dành tổng lực cho vị thế mua mới. Song nhà đầu tư có thể từ tốn tăng dần tỷ trọng ở các mã đang có lợi.
Phiên 10/10 VN-Index giữ vững sắc xanh
Sau phiên giao dịch tích cực trước đó tạo đà tâm lý ngắn hạn cải thiện, VN-Index trong phiên 10/10 tạo khoảng trống tăng giá từ đầu phiên, hướng đến vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm. Thị trường phân hóa mạnh ở vùng gia này với áp lực cung tiếp tục gia tăng ở nhiều mã, dẫn đến VN-Index chịu áp lực thu hẹp mức tăng điểm. Kết phiên VN-Index tăng 4,51 điểm (+0,35%) lên mức 1.286,36 điểm. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với phiên trước (9/10), mức trung bình cho thấy dòng tiền ngắn hạn vẫn duy trì, luân chuyển với mức độ phân hóa cao giữ các mã/nhóm mã.
Thanh khoản khớp lệnh thị trường bật tăng nhẹ, duy trì quanh mức bình quân 20 phiên giao dịch. Lũy kế cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HSX đạt 653 triệu cổ phiếu (+6.06%), tương đương 18405 tỷ đồng (+8.02%) về giá trị giao dịch.
Độ mở thị trường trong trạng thái giằng co với 11/21 nhóm ngành điều chỉnh. Gây áp lực lớn lên thị trường trong phiên chiều là các nhóm ngành như: Thép (-1.01%), Phân bón (-1%), Nhựa (-0.92%), Chứng khoán (-0.65%),...Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành vốn hóa lớn dẫn dắt đà tăng bao gồm: Công nghệ viễn thông (+2.46%), Bán lẻ (+1.15%), Bảo hiểm (+1.12%),...
Khối ngoại quay lại mua ròng +504 tỷ đồng trên sàn HSX sau 4 phiên bán ròng liên tiếp. Tâm điểm mua ròng trong phiên 10/10 là các cổ phiếu như: MSN (+366 tỷ đồng), FPT (+311 tỷ đồng), NVL (+159 tỷ đồng),...Ở chiều bán ròng, nhóm nhà đầu tư ngoại hạ tỷ trọng một số mã: STB (-127 tỷ đồng), CTG (-49 tỷ đồng), VPB (-49 tỷ đồng),...