Chứng khoán Everest: Phủ tím thương hiệu, giá cổ phiếu và lợi nhuận vẫn lao dốc
(Thị trường tài chính) - Mặc dù đã thay đổi màu sắc logo cho hợp "phong thủy" ngành, mới đây, Chứng khoán Everest (EVS) vẫn báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2023 với sự đi xuống cả về doanh thu và lợi nhuận.
Lãi sau thuế quý IV/2023 giảm 94,5% so cùng kỳ
Mới đây, Chứng khoán Everest (EVS) đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2023 với sự đi xuống cả về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu hoạt động trong quý IV/2023 của EVS đạt 120,7 tỷ đồng, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cổ tức, tiền lãi phát sinh từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lỗ lãi (FVTPL) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu hoạt động với 73,1 tỷ đồng trong quý 4/2023, tăng 41,7%. Trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động môi giới chứng khoán đạt 5,1 tỷ đồng, giảm 42%. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 61,6% xuống còn 5,6 tỷ đồng.
Ngược chiều doanh thu, chi phí hoạt động ghi nhận 103,2 tỷ đồng, tăng 81,4%. Chi phí tăng đến từ khoản lỗ do đánh giá lại FVTPL tăng 140,6% lên 86,6 tỷ đồng.
Kết quả là, Chứng khoán Everest báo lãi sau thuế quý IV/2023 đạt 4,4 tỷ đồng, giảm 94,5% so với cùng kỳ.
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, lý do dẫn tới việc lợi nhuận sau thuế quý giảm sâu so với cùng kỳ năm trước là do trong giai đoạn này, thanh khoản thị trường giảm, dẫn đến doanh thu từ nghiệp vụ môi giới, lãi từ hoạt động cho vay giảm.
Cổ phiếu lao dốc
Về diễn biến giá cổ phiếu, cổ phiếu EVS mất 57% giá trị từ đỉnh thiết lập giữa tháng 7/2022 đến nay.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu EVS đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/1 với giá 8.300 đồng/cp, giảm 1,13% so với phiên trước, tăng 18,57% kể từ đầu tháng 11 nhưng vẫn còn thấp hơn 31% so với đỉnh đạt được hồi giữa tháng 9/2023.
Việc giá cổ phiếu giảm dẫn đến doanh thu từ hoạt động đầu tư giảm, đồng thời làm chi phí cho việc đánh giá lại danh mục đầu tư tăng mạnh, qua đó dẫn tới kết quả kinh doanh trong quý IV giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Tổng tài sản tại ngày 31/12/2023 là 2.361 tỷ đồng, tăng 57 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý III/2023. Lũy kế cả năm 2023, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 37,7 tỷ đồng, giảm 50,3%. Trong năm 2023, EVS đặt kế hoạch lợi nhuận ròng 102,8 tỷ đồng, như vậy công ty mới thực hiện được 36,7% chỉ tiêu này.
Nhiều sai phạm liên quan đến vụ án Tân Hoàng Minh
Hồi cuối tháng 10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra kết luận điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Theo đó, trong vụ án Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị can Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn này chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân 3 công ty gồm Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông để phát hành trái phiếu riêng lẻ rồi bán lại cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Tiếp đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh phân phối những trái phiếu này cho các nhà đầu tư cá nhân, thu về hơn 13.000 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng trái mục đích phát hành trái phiếu, gây thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng cho hơn 6.600 nhà đầu tư. Theo công bố của cơ quan điều tra, có 5 công ty chứng khoán đã ký các hợp đồng dịch vụ tư vấn phát hành, đại lý đăng ký, lưu ký, đại diện chủ sở hữu trái phiếu liên quan đến vụ án Tân Hoàng Minh, trong đó có Công ty CP Chứng khoán Everest.
Trước đó, ngày 16/9/2022, UBCKNN đã có quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP Chứng khoán Everest, với số tiền xử phạt là 400 triệu đồng. Nguyên nhân do công ty đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm rà soát hồ sơ trong ký hợp đồng tư vấn phát hành gói trái phiếu 3.230 tỷ đồng cho Công ty Cung điện Mùa đông; không có kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra. Quá trình điều tra, sau khi có yêu cầu từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, EVS đã nộp lại 500 triệu đồng có nguồn gốc từ bán trái phiếu do Tân Hoàng Minh thanh toán phí.