Chứng khoán 30/7: Công bố lợi nhuận giảm một nửa, cổ phiếu đại gia nuôi heo nằm sàn
(Thị trường tài chính) - Sau khi công bố lãi quý II giảm một nửa, cổ phiếu DBC của Dabaco trượt dần về mức sàn ở cuối phiên, dư bán sàn hơn 400.000 đơn vị.
Sáng nay, cổ phiếu của Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) giao dịch khá ảm đạm. Lực bán tiếp tục tăng cao trong phiên chiều đẩy cổ phiếu DBC giảm sàn về mức 26.050 đồng/cp với tổng khối lượng đạt hơn 13,4 triệu đơn vị - đứng Top 10 thị trường về thanh khoản phiên 30/7. Trong đó, dư bán sàn cuối phiên giao dịch là hơn 400.000 cổ phiếu.
Trước đó, cổ phiếu DBC đã ghi nhận nhịp tăng khá tốt tới 94,5% từ đáy 15.530 đồng (31/10/2023) lên 30.200 đồng/cp (15/7/2024).
Cổ phiếu DBC giảm mạnh sau khi báo cáo tài chính quý II công bố với lợi nhuận giảm 55%. Lũy kế nửa đầu năm, nhờ lãi đậm 3 tháng đầu năm, Dabaco ghi nhận doanh thu thuần 6.437 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Khoản lãi sau thuế đạt hơn 218 tỷ đồng, cao gấp 36 lần số thực hiện cùng kỳ 2023.
Dabaco cho biết tình hình giá nguyên vật liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu tiếp tục biến động trong quý II. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi vẫn diễn biến phức tạp trên diện rộng khiến tổng đàn heo của công ty bị ảnh hưởng. Do đó, mặc dù giá heo hơi trong nước tăng, kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi trong tập đoàn chưa cải thiện đáng kể.
Cổ phiếu DBC đứng thứ 10 trong nhóm những mã tác động tiêu cực nhất cho VN-Index hôm nay. Dẫn đầu nhóm này là VHM, BID, FPT. Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận một số cổ phiếu trụ có đóng góp tích cực như VIC, MBB, MWG hay TCB. Nhờ đó, VN-Index chốt phiên chỉ giảm hơn 1,5 điểm về quanh 1.245 điểm.
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán hôm nay tiếp tục được cải thiện, khi tổng giao dịch trên toàn thị trường đạt hơn 15.700 tỷ đồng. Riêng sàn trên sàn HoSE, thanh khoản đạt hơn 13.700 tỷ đồng.
Dòng tiền của các nhà đầu tư bị áp đảo bởi đà bán ra, sắc đỏ bao phủ hầu hết các nhóm ngành.
Cổ phiếu bất động sản và cổ phiếu ngân hàng tiếp tục ảnh hưởng mạnh nhất đến thị trường. Khi cổ phiếu của 2 nhóm này phân hóa, các mã tăng giảm đan xen. Tăng 1,44% lên 42.200 đồng, cổ phiếu VIC của Vingroup dẫn đầu nhóm kéo chỉ số VN-Index. Theo sau là cổ phiếu MBB, MWG, TCB, VPB, VCB, VNM, HVN, MSN, NVL,…
Ở chiều ngược lại, giảm 1,08% xuống 36.700 đồng, cổ phiếu VHM của Vinhomes dẫn đầu nhóm gây áp lực lên chỉ số VN-Index. Theo sau là các cổ phiếu BID, FPT, GVR, PLX, LPB, VIB, CTG, PDR, REE, ….
Cổ phiếu dịch vụ và thiết bị chăm sóc sức khỏe giảm mạnh nhất thị trường, do TNH giảm 2,82%, AMV giảm 3,03% hay BBT giảm 6,17%. Tiếp đến là các nhóm truyền thông giải trí, dịch vụ tài chính, năng lượng cũng ở chiều giảm giá.
Ở chiều tích cực có nhóm viễn thông nhờ động lực từ VGI tăng 3,65%, SGT tăng 3,27%. Thị trường cũng được nâng đỡ bởi các cổ phiếu trụ cột như MWG, MBB, VIC, VCB, VPB, VNM, TCB, SHB, MBB, MSN, HDB, GAS.
Hôm nay, khối ngoại bán ròng hơn 300 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó khối này bán ra nhiều nhất cổ phiếu HVN của Hãng hàng không Vietnam Airlines với giá trị 40,19 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu HAH (35,91 tỷ đồng), cổ phiếu POW (29,35 tỷ đồng), cổ phiếu PDR (29,02 tỷ đồng), …
Ở chiều mua vào, khối ngoại mua vào nhiều nhất cổ phiếu VNM của Vinamilk với giá trị hơn 135,4 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu MSN (66,37 tỷ đồng), cổ phiếu MWG (29,57 tỷ đồng), cổ phiếu TCB (22,61 tỷ đồng), cổ phiếu SHB (17,09 tỷ đồng), …