Chứng khoán 11/4: Thép Pomina dư bán sàn gần 3 triệu đơn vị sau khi nhận án hủy niêm yết
(Thị trường tài chính) - Hôm nay, Thép Pomina đã chính thức nhận án hủy niêm yết, có hiệu lực từ 10/5/2024. Sau tin xấu này, cổ phiếu POM của Pomina giảm sàn về 3.750 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 2,7 triệu đơn vị.
Theo quyết định, 279,7 triệu cổ phiếu POM của Thép Pomina sẽ bị hủy niêm yết tại HoSE từ ngày 10/5/2024. Như vậy, ngày giao dịch cuối cùng đối với cổ phiếu POM là ngày 9/5/2024.
Trước đó, HoSE đã có thông báo về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu POM với lý do Thép Pomina vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp (từ năm 2021-2023), thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc.
Trước đó, Thép Pomina đã có đơn xin gia hạn nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 đến ngày 15/05/2024. Giải trình về lý do chậm nộp BCTC kiểm toán, Thép Pomina cho biết đang tích cực làm việc với đối tác đầu tư cho phương án tái cấu trúc Pomina để cung cấp cho kiểm toán xem xét đánh giá khả năng giả định hoạt động liên tục cùng với các bằng chứng chắc chắn cho giả định này để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu.
Kết phiên hôm nay 11/4, cổ phiếu POM của Thép Pomina giảm sàn về 3.750 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 2,7 triệu đơn vị. Vốn hóa công ty này cũng giảm còn 1.044 tỷ đồng.
Trở lại với diễn biến thị trường hôm nay, dòng tiền vẫn rất thận trọng khiến giao dịch tiếp tục nhạt nhòa. Thanh khoản cả 3 sàn tiếp tục dưới mốc 19 nghìn tỷ đồng. Kết phiên VN-Index giảm 0,36 điểm tương đương 0,03%, xuống còn 1.258,2 điểm.
Các cổ phiếu blueship phân hóa, trong đó tăng tốt nhất là BID khi tăng 1,9% lên 53.000 đồng. Các mã SSI, MWG, GVR, HPG, FPT tăng 0,5% đến 1%. Chiều giảm có BCM giảm 1,6% xuống 60.300 đồng. Các mã VJC, TCB, VRE giảm hơn 1%, còn lại giảm nhẹ.
Nhóm ngân hàng chứng kiến sự phân hóa rõ rệt và kết phiên giữ nguyên mốc tham chiếu. Ngoài BID dẫn đầu đà tăng của thị trường khi đóng góp tới 1,4 điểm vào chỉ số chung. Trong khi đó, ba mã VCB, TCB và LPB đứng đầu đà kéo giảm điểm của thị trường khi lấy đi tổng cộng 1,4 điểm của thị trường.
Cổ phiếu HPG đứng thứ 2 đà tăng của thị trường sau buổi họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào sáng nay với những thông tin tích cực về tình hình kinh doanh cùng với khẳng định “Những loại thép nào Việt Nam chưa làm thì Hòa Phát sẽ tiếp tục nghiên cứu. Như với làm vỏ container, tập đoàn sẽ tiếp tục theo đuổi và sẽ làm tốt”.
Cổ phiếu FPT đứng thứ 3 đà tăng của thị trường sau những thông tin từ cuộc ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào chiều qua. Một số phát ngôn đáng chú ý như Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa khẳng định: “Trong năm 2023, FPT đã góp mặt trong danh sách các công ty dịch vụ công nghệ tỷ USD. Sau khi đã đạt được cột mốc 1 tỷ USD, thì con số 5 tỷ hay 10 tỷ USD nằm trong tầm tay”. Ngoài ra những thông tin về bán dẫn cũng hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu này.
Cặp đôi nhà Hoàng Huy có phiên nổi bật, với TCH có thời điểm tăng kịch trần, trước khi đóng cửa tăng 5,9% lên 17.000 đồng, khớp lệnh đứng thứ ba toàn sàn với 22,3 triệu đơn vị, trong khi HHS tăng 5,7% lên 9.840 đồng, khớp gần 5 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán lại nghiêng về sắc xanh: SHS tăng 1,52%, FTS tăng 1,18%, CTS tăng 2,14%, BVS tăng 2,67%, HCM tăng 1,05%, AGR tăng,21%, VDS tăng 1,41%; VCI, ORS tăng gần 1%.
Nhóm cổ phiếu thép và dầu khí cũng tăng tích cực: NKG tăng 3,83%, HSG tăng 1,1%, HPG tăng gần 1%; PVS tăng 2,89%, PVC tăng 3,8%, PVD và BSR tăng gần 1%...
Nhóm cổ phiếu bất động sản – xây dựng lại chìm trong sắc đỏ: DXG giảm 1,79%, VRE giảm 1,44%, LCG giảm 1,15%, BCM giảm 1,63%, HUT giảm 1,09%; VHM, CEO, VIC, CII, HHV, NLG, BCG, VCG, HDG, SZC, HDC… giảm gần 1%.
Giao dịch khối ngoại tương đối tích cực khi trở lại mua ròng trên cả ba sàn dù giá trị không quá lớn, tổng cộng mua ròng 51 tỷ đồng trên toàn thị trường trong đó tập trung mua chủ yếu là cổ phiếu VPD với giao dịch thỏa thuận gần 150 tỷ đồng, ngoài ra có TCH được mua ròng 93 tỷ đồng, SSI 85 tỷ đồng... Ở chiều ngược lại, VHM tiếp tục bị bán ròng 246 tỷ đồng, KDC bị bán 86 tỷ đồng, VIC bị bán 75 tỷ đồng...