Chân dung nữ doanh nhân Hoàng Thị Phương, công ty Phương Anh và Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1
(Thị trường tài chính) - Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh làm chủ đầu tư là một trong 32 dự án mà Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã yêu cầu EVN cung cấp hồ sơ để điều tra. Bà Hoàng Thị Phương, nữ đại gia đứng sau Công ty Phương Anh - người có tầm ảnh hưởng lớn và nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, nhưng vẫn giữ kín thông tin cá nhân.
Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 vào danh sách yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ điều tra
Nhằm phục vụ điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương...
Trong số 32 dự án điện sạch mà Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an yêu cầu EVN cung cấp, có 10 dự án điện mặt trời và 22 dự án điện gió.
Hồ sơ của từng nhà máy điện EVN phải cung cấp cho Cơ quan An ninh điều tra gồm toàn bộ hồ sơ đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện; hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu, công nhận ngày vận hành thương mại; hồ sơ kiểm định, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất hệ thống đo đếm điện năng và kiểm tra công suất lắp đặt thực tế của các nhà máy điện.
Các dự án điện gió, điện mặt trời trong diện phải cung cấp hồ sơ cho Cơ quan An ninh điều tra thuộc nhiều địa phương, nhưng tập trung nhiều ở khu vực miền Trung, Tây nguyên và miền Tây Nam bộ.
Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 nằm trong danh 32 dự án nói trên. Dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh làm nhà đầu tư, đồng thời là tổng thầu xây dựng. Dự án này được chia làm 2 giai đoạn.
Được biết, Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 - Giai đoạn 2 sẽ được sử dụng chung hạ tầng với Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 đang được đầu tư xây dựng trong khu vực biển thuộc địa phận xã Vĩnh Hậu A và xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình). Dự án này có quy mô khoảng 935 ha.
Trong khi đó, dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2 sẽ được xây dựng trong khu vực biển thuộc địa phận xã Vĩnh Thịnh (huyện hòa Bình), có diện tích khu vực biển khoảng 1.119 ha.
Hai dự án kể trên có tổng công suất 100 MW, tổng mức đầu tư là 5.223 tỷ đồng. Trong đó, Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 - Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng và Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2 có tổng mức đầu tư 2.823 tỷ đồng.
Chân dung công ty Phương Anh
Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh (Phương Anh) được thành lập vào tháng 12/2009, trụ sở chính đặt tại tổ dân phố 6, Phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Trước khi có những bước Nam tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Phương Anh là một nhà thầu xây dựng các dự án giao thông có quy mô “khủng” ở miền Bắc.
Xuyên suốt quá trình phát triển của Phương Anh đều ghi đậm dấu ấn của ba nữ doanh nhân là Hoàng Thị Phương, Ngô Thị Phương Lan.
Cụ thể, tại ngày 19/9/2016, vốn điều lệ của Phương Anh tăng từ 636,7 tỷ đồng lên 1.256 tỷ đồng, song tỷ lệ cổ đông vẫn được giữ nguyên với bà Hoàng Thị Phương (81,15%) và bà Ngô Thị Phương Lan (18,84%).
Tại thay đổi ngày 5/6/2017, Phương Anh tăng vốn lên mức 2.267 tỷ đồng và có thêm sự góp mặt của bà Trần Thị Linh với tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 13,23%, song đến ngày 25/3/2020, bà Linh đã chuyển toàn bộ cổ phần sở hữu cho 2 cổ đông sáng lập, với tỷ lệ lần lượt là bà Hoàng Thị Phương (nắm giữ 76,326%) và bà Ngô Thị Phương Lan (sở hữu 23,674%).
Cập nhật đến 28/12/2021, Phương Anh tăng vốn lên 2.300 tỷ đồng, cổ đông góp vốn là bà Hoàng Thị Phương và Ngô Thị Phương Lan với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 76,666% (tươnng ứng hơn 1.763,3 tỷ đồng) và 23,334% (tương ứng 536,7 tỷ đồng).
Bà Hoàng Thị Phương (SN 1959) hiện là Tổng Giám đốc của Phương Anh. Bên cạnh đó, nữ doanh nhân này hiện đứng tên tại một loạt pháp nhân như: Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Anh Phú Quốc; CTCP Đầu tư điện gió Hòa Bình 1.
Mặc dù khá kín tiếng, nhưng bà Phương Anh là cái tên gắn liền với nhiều dự án hạ tầng “khủng” được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Đầu tiên có thể kể đến dự án mới nhất của Công ty là Dự án Đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng. Toàn tuyến có tổng chiều dài 35,5 km, đấu nối với đường đầu cầu vượt sông Hồng tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải. Trong phạm vi Dự án còn hạng mục xây dựng cầu vượt sông Hồng dài khoảng 2,195 km đấu nối vào tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định.
Để được lựa chọn là nhà đầu tư dự án này, Phương Anh đã vượt qua một đối thủ tầm cỡ khác là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - một “ông lớn” khác trong lĩnh vực BOT giao thông. Qua đó đủ thấy tầm cỡ của Phương Anh trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 đến năm 2021, còn thời gian dự kiến thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án là 23 năm 3 tháng (từ năm 2022 đến năm 2045).
Dự án quy mô ngót 4.000 tỷ đồng trên chưa phải là dự án “khủng” nhất mà Phương Anh tham gia. Năm 2016, Phương Anh được giao thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng chiều dài trên 26 km và tuyến đường nhánh Đền Trần. Quy mô vốn đầu tư gần 4.300 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là 2.500 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tư theo hình thức BT do Liên danh Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh - Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bắc Nam đề xuất.
Dự án này từng bị Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư vạch ra sai phạm. Cụ thể, Dự án bị đội vốn hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp tăng không đúng gần 600 tỷ đồng.
Năm 2015, Liên danh Phương Anh - Công ty TNHH Xây dựng Vương Quốc Anh - Công ty TNHH Môi trường và Xây dựng Thái Sơn được chỉ định làm nhà đầu tư Dự án Nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên. Dự án có tổng mức đầu tư 4.662 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Trong đó, Phương Anh là đại diện Liên danh.
Dự án được khởi công năm 2015, nhưng phải đến tháng 9/2018 mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016 - 2020.
Không chỉ đóng vai trò là nhà đầu tư, Phương Anh còn là một nhà thầu tầm cỡ. Công ty từng thực hiện Gói thầu số 12 Xây lắp công trình giai đoạn 1, thuộc Dự án Đường tỉnh 208, từ thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An) - xã Cách Linh, Triệu Ẩu (huyện Phục Hòa) - xã An Lạc, thị trấn Thanh Nhật, xã Đức Quang (huyện Hạ Lang) - xã Chí Viễn (huyện Trùng Khánh), tỉnh Cao Bằng. Giá trúng thầu là 672,1 tỷ đồng.
Trên đây chỉ là sơ lược một số dự án tiêu biểu có sự hiện diện của Phương Anh.