Ai đứng sau Fnest - mô hình mua bất động sản chia nhỏ hợp tác với Chứng khoán VPS?
(Thị trường tài chính) - Fnest dù mới xuất hiện và có quy mô khiêm tốn lại có được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ VPS - công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất thị trường Việt Nam.
Trước đó Thị trường Tài chính đã thông tin, chiều 18/6, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết đã làm việc với Công ty Chứng khoán VPS và yêu cầu đơn vị này ngừng ngay hoạt động phân phối chứng chỉ chứng khoán dưới dạng bất động sản chia nhỏ.
Được biết, Fnest cùng VPS đã tiến hành chia nhỏ các căn hộ và biệt thự để bán cho nhà đầu tư, giúp họ sở hữu một phần bất động sản chỉ với số tiền nhỏ nhất là 10.000 đồng mỗi cổ phần.
Lãnh đạo UBCKNN đã yêu cầu dừng ngay mô hình này, nhấn mạnh rằng nhà đầu tư đang thực chất đầu tư vào một phần nhỏ của bất động sản thay vì sở hữu hoàn toàn.
Nhà đầu tư có hai lựa chọn sau khi mua cổ phần Fnest: Bán bất động sản chia nhỏ trên thị trường thứ cấp như bán cổ phiếu hoặc đợi Fnest VPS bán bất động sản khi đạt lợi nhuận kỳ vọng và chia lợi nhuận theo cổ phần nắm giữ.
Ví dụ, một bất động sản trị giá 10 tỷ đồng sẽ được chia thành 1 triệu Fnest. Nhà đầu tư có thể mua vào từng phần nhỏ và hưởng lợi từ sự tăng giá trị cũng như các hoạt động quản lý, khai thác do các tổ chức chuyên nghiệp thực hiện.
Hiện pháp luật hiện chưa có quy định cụ thể cho loại hình chia nhỏ bất động sản này. Do đó, UBCKNN đã yêu cầu VPS ngừng phân phối các cổ phần bất động sản này để đảm bảo tính hợp pháp và an toàn cho nhà đầu tư.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN giám sát chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán. Mặc dù hiện chưa có quy định cấm, nhưng các dịch vụ phải nằm trong lĩnh vực và ngành nghề được cấp phép. Nếu nằm ngoài phạm vi này, hoạt động sẽ phải dừng lại để cơ quan quản lý có đánh giá toàn diện.
Ai đứng sau Fnest?
Hiện tại, Fnest đã đưa lên "sàn" 9 bất động sản gồm các công trình căn hộ, shophouse, biệt thự,… tập trung tại các dự án tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như Garden City, Arden Park, Khai Sơn City...
Đáng chú ý, mặc dù mới được mở bán không lâu nhưng các gói sản phẩm sơ cấp của toàn bộ các bất động sản nói trên đều đã được bán hết. Hiện tại, các nhà đầu tư chỉ có thể thực hiện giao dịch thứ cấp.
Theo tìm hiểu, CTCP Fnest thành lập vào ngày 14/11/2022, ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Công ty có trụ sở chính đặt tại tầng 4 số 37 đường Nguyễn Sơn, Phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP.Hà Nội.
Vào thời điểm thành lập, Fnest có vốn điều lệ 30 tỷ đồng gồm 3 cổ đông sáng lập: Ngô Thị Phương Thảo (SN 1993) góp 300 triệu đồng, Nguyễn Phương Lan (SN 1994) góp 300 triệu đồng và Phạm Thị Phương Hiền (SN 1997) có phần vốn góp lớn nhất 29,4 tỷ đồng, chiếm 98% vốn điều lệ. Khi này bà Hiền là đại diện pháp luật kiêm Giám đốc Công ty.
Tuy nhiên, vào tháng 3/2024, bà Nguyễn Thùy Linh (SN 1998) đã thay thế vị trí này. Thời điểm này, Fnest có 10 nhân viên.
Theo giới thiệu trên website chính thức, Fnest được thành lập với tầm nhìn trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư bất động sản ứng dụng công nghệ hiện đại, mang tới phương thức bất động sản đầu tư đơn giản nhất.
Doanh nghiệp này xác định sứ mệnh của mình là thay đổi góc nhìn của cộng đồng về đầu tư tài chính và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người bằng việc mở ra cơ hội đầu tư bất động sản đơn giản, linh hoạt, sẵn sàng bước tới một tương lai thịnh vượng. Fnest cũng cho biết, doanh nghiệp sở hữu đội ngũ nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm, am hiểu về kinh doanh bất động sản, công nghệ và tài chính.
Đáng chú ý, ngoài trừ hợp tác và triển khai thông qua ứng dụng của VPS. Fnest chưa có ứng dụng riêng biệt hay kênh phân phối qua các nền tảng nào khác.
Fnest, dù mới xuất hiện và có quy mô khiêm tốn lại có được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ VPS - công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất thị trường Việt Nam. Sự hợp tác này giúp Fnest tiếp cận được một lượng lớn khách hàng tiềm năng và hưởng lợi từ đội ngũ tiếp thị sản phẩm đông đảo của VPS. Vậy khi VPS buộc dừng phân phối loại hình kinh doanh này, Fnest sẽ có những đối tác nào khác?