HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

99 nhà đầu tư mua 73 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ từ Xây dựng Hòa Bình (HBC)

N.Hà

(Thị trường tài chính) - Danh sách chủ nợ đồng ý hoán đổi bao gồm 99 công ty trong nước với tổng số nợ là 1.116,4 tỷ đồng và số nợ đồng ý hoán đổi lấy cổ phiếu là 730,8 tỷ đồng.

Ngày 10/5, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã thông qua kế hoạch chi tiết cho việc phát hành cổ phiếu nhằm hoán đổi nợ. Trong kế hoạch này, Xây dựng Hòa Bình sẽ phát hành tổng cộng 73,08 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng mỗi cổ phiếu, tương đương với tổng số tiền là 730,8 tỷ đồng, để đổi lấy các khoản nợ hiện tại đang nợ các nhà thầu phụ, đối tác và nhà cung cấp (mỗi 10.000 đồng nợ sẽ được đổi lấy 1 cổ phiếu).

Trước đó, tại Đại hội cổ đông vào ngày 25/4, Xây dựng Hòa Bình đã thông qua kế hoạch phát hành 74 triệu cổ phiếu để hoán đổi 740 tỷ đồng nợ vay. Do đó, kế hoạch mới đã được thông qua có sự điều chỉnh so với kế hoạch trước đó được cổ đông chấp thuận.

Xây dựng Hòa Bình giải thích rằng sự điều chỉnh này là do trong thời gian qua, công ty đã thanh toán một số khoản nợ và một số chủ nợ đã thay đổi quan điểm về việc hoán đổi nợ, dẫn đến sự khác biệt so với kế hoạch ban đầu.

Quá trình chào bán cổ phiếu sẽ diễn ra từ quý II đến quý IV năm 2024, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ của Xây dựng Hòa Bình. Trong trường hợp các chủ nợ thay đổi ý kiến và không đồng ý hoán đổi nợ, Xây dựng Hòa Bình sẽ hủy số lượng cổ phiếu phát hành tương ứng với từng chủ nợ.

Danh sách chủ nợ đồng ý hoán đổi bao gồm 99 công ty trong nước với tổng số nợ là 1.116,4 tỷ đồng và số nợ đồng ý hoán đổi lấy cổ phiếu là 730,8 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp đồng ý hoán đổi nợ nhiều nhất là CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC – sàn HOSE), đơn vị này sẽ hoán đổi 104,8 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu tại Xây dựng Hòa Bình dự kiến sau đợt phát hành là 3,018% vốn điều lệ.

Trong quý I/2024, Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 1.651 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Lãi gộp đạt 21,3 tỷ đồng, so với mức lỗ 200 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái do kinh doanh dưới giá vốn.

Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng đạt mức tích cực với gần 114 tỷ đồng, so với mức 2,5 tỷ đồng trong cùng kỳ tăng . Nguyên nhân do việc bán ra các khoản đầu tư, mang về khoản lãi hơn 109 tỷ đồng.

Đồng thời, chi phí của HBC cũng được kiểm soát hiệu quả. Chi phí lãi vay giảm 28% xuống còn 99 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 15% xuống mức 6,6 tỷ đồng, và chi phí quản lý cũng giảm hơn 21 tỷ đồng do việc hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 89 tỷ đồng.

Nhờ những cải thiện trên, HBC đã ghi nhận lãi sau thuế 57 tỷ đồng trong quý I, so với mức lỗ gần 445 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.

Tổng tài sản của HBC tính đến ngày 31/3/2024 đạt gần 14.900 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt giảm 19% xuống còn hơn 328 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 4%, xuống mức hơn 10.200 tỷ đồng. Công ty cũng đã trích lập dự phòng 2.387 tỷ đồng cho các khoản khó đòi.

Trong quý I, HBC còn phải ghi nhận khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn gần 742 tỷ đồng từ dự án bất động sản.

Nợ phải trả của công ty hiện ở mức hơn 14.700 tỷ đồng, giảm 3%. Trong đó, nợ vay giảm 5%, còn hơn 4.500 tỷ đồng.

Ngày 25/4 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu rất lớn: tổng doanh thu dự kiến đạt 10.800 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ, cùng với một mục tiêu lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ hơn 1.100 tỷ đồng của năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận tương đương với năm 2019, trước khi ngành công nghiệp xây dựng gặp phải những thách thức nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 và sự suy giảm của thị trường bất động sản.

 99 nhà đầu tư mua 73 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ từ Xây dựng Hòa Bình (HBC) - ảnh 1
 99 nhà đầu tư mua 73 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ từ Xây dựng Hòa Bình (HBC)

Tại đại hội, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị của HBC tỏ rõ: những khó khăn nhất đã qua. Công ty sẽ tập trung vào việc khôi phục và mở rộng thị trường trong nước, đồng thời bắt đầu hành trình đưa doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới.