Tập đoàn Bảo Việt có trách nhiệm thế nào trong vụ việc 42 ô tô rơi xuống biển Quảng Nam?
(Thị trường tài chính) - Theo chuyên gia pháp lý, Tập đoàn Bảo Việt cần nhanh chóng giải quyết và đưa ra quyết định có bồi thường hay không để tránh kéo dài tranh chấp, gây thiệt hại cho cả hai bên. Đồng thời, cần phối hợp với Vinafco để xác định rõ trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Bắt giữ tàu biển Morning Vinafco của Vận tải biển Vinafco
Trước đó, Thị trường Tài Chính đã thông tin, vào tháng 12/2023, Công ty Phương Anh đã thuê Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco (Công ty Vinafco) vận chuyển 15 container (bên trong có 45 xe ô tô, gồm: 29 xe điện, 16 xe xăng) từ cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng) đi cảng Bến Nghé (TP Hồ Chí Minh). Các container được sắp xếp trên tàu Morning Vinafco, khởi hành từ ngày 20/12/2023 đến 22/12/2023 thì cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).
Đến 17h30 ngày 22/12/2023, tàu rời cảng Tiên Sa tiếp tục hành trình, khi đến vùng biển Quảng Nam thì gặp phải thời tiết xấu, gió Đông Bắc cấp 7 giật cấp 8 - 9, biển động mạnh, sóng cao khoảng 6m làm con tàu lắc ngang rất mạnh khiến 37 container hàng hóa trên tàu rơi xuống biển, mất tích, trong đó có 14 container của Công ty Phương Anh (01 container còn lại bị nghiêng khiến các xe ô tô bên trong bị va đập, hư hỏng).
Ngay sau khi xảy ra tổn thất, ngày 23/12/2023, Công ty Phương Anh đã gửi fax đến Bảo hiểm Bảo Việt yêu cầu giám định nguyên nhân về việc lô hàng bị thất lạc. Đơn vị cũng nhiều lần đề nghị Vinafco Ship chi trả để giảm bớt gánh nặng tài chính do tổn thất song không được đáp ứng trong nửa năm qua.
Và mới đây, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh đã có đơn khởi kiện ra Tòa án Nhân dân huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Bên bị kiện là Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco - công ty con của CTCP Vinafco (mã: VFC). Bên có liên quan của vụ này là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt).
Theo đơn khởi kiện, Công ty Phương Anh yêu cầu Vinafco Ship trả cho Công ty Phương Anh tổn thất 45 xe ô tô bị mất tích và hư hỏng khi vận chuyển trên tàu MORNING VINAFCO ngày 22/12/2023 với số tiền gần 39 tỷ đồng (đã bao gồm hơn 1,5 tỷ đồng tiền lãi chậm trả (6 tháng)
Phía Vinafco trong thông báo ngày 12/01/2024 gửi Công ty Phương Anh xác nhận, đã có văn bản ủy quyền cho 2 nhà bảo hiểm là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt và QBE Việt Nam thay mặt Vinafco giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ tổn thất (do Vinafco Ship mua đơn bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu - Bảo hiểm P&I của 2 nhà bảo hiểm trên).
Phía Công ty Phương Anh bảo lưu quan điểm rằng căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa Công ty Phương Anh và Vinafco Ship cũng như dựa vào kết luận của Công ty Giám định Nori HN thì đây hoàn toàn do lỗi chủ quan của người vận chuyển nên Vinafco Ship buộc phải bồi thường.
Tại buổi làm việc ngày 22/5, phía Tập đoàn Bảo Việt cho biết sẽ có văn bản trả lời cho Công ty Phương Anh về việc có chi trả bồi thường hay không.
Ông Bùi Văn Hảo, Tổng Giám đốc Công ty Phương Anh cho biết, tính đến ngày 19/6, Công ty Phương Anh vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ Bảo hiểm Bảo Việt.
Vị lãnh đạo cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, Công ty Phương Anh tự bỏ tiền của mình để bù đắp nhanh cho chủ của 45 xe ô tô bị thiệt hại với số tiền 37 tỷ đồng trong khi chờ các bên bồi thường các nạn nhân. Đây là số tiền lớn song 6 tháng, Vinafco Ship chưa giải quyết, đền bù tài chính cho bên bị thiệt hại còn Bảo hiểm Bảo Việt thì chưa có văn bản trả lời chính thức về việc có được bồi thường hay không.
Liên quan đến vụ việc, mới đây, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hải Phòng mới đây đã có Quyết định số 01/2024/QĐ-BGTB bắt giữ tàu biển Morning Vinafco của Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh.
Quyết định nêu rõ: Căn cứ khoản 1 Điều 3, Điều 9, khoán 10, khoản 5 Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 20, Điều 21 Pháp lệnh thủ tục bất giữ tàu biển số 05/2008/PL-UBTVQH12 ngày 27/8/2008 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và sau khi xem xét các tài liệu chứng cứ liên quan kèm theo đơn yêu cầu bất giữ tàu biển Morning Vinafco, TAND TP Hải Phòng xét thấy việc bắt giữ tàu biển Morning Vinafco là có căn cứ, hợp pháp nhằm bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải về tổn thất hàng hóa do sự cố rơi vỡ hàng hóa trên tàu gây ra.
TAND TP Hải Phòng yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng thực hiện Quyết định bắt giữ tàu biển Morning Vinafco theo quy định của pháp luật và giao cho thuyền trưởng tàu Morning Vinafco để thi hành.
Thời hạn bắt giữ tàu biển Morning Vinafco để đảm bảo giải quyết khiếu nại hàng hải tối đa là 30 ngày kể từ ngày tàu biển Morning Vinafco bị bắt giữ. Quyết định bắt giữ có hiệu lực thi hành ngay và được thi hành theo quy định.
Trách nhiệm của Bảo Việt thế nào?
Trao đổi với PV Thị trường Tài chính, một chuyên gia pháp lý bày tỏ quan điểm: Công ty Phương Anh đã mua bảo hiểm hàng hóa từ Tập đoàn Bảo Việt, do đó, Bảo Việt phải có trách nhiệm bồi thường nếu tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm. Theo các thông tin trên báo chí, thì báo cáo giám định, nguyên nhân sự cố là do thiết bị trên tàu kém chất lượng, không phải rủi ro tự nhiên. Bảo Việt phải xem xét kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm để quyết định có bồi thường hay không.
Trường hợp Tập đoàn Bảo Việt từ chối bồi thường, Công ty Phương Anh có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Vụ kiện sẽ tập trung vào việc chứng minh lỗi thuộc về Vinafco và xác định rõ trách nhiệm bồi thường của Bảo Việt theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.
Theo vị chuyên gia này, Tập đoàn Bảo Việt cần nhanh chóng giải quyết và đưa ra quyết định có bồi thường hay không để tránh kéo dài tranh chấp, gây thiệt hại cho cả hai bên. Đồng thời, cần phối hợp với Vinafco để xác định rõ trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi của khách hàng.