Đề xuất người không đủ điều kiện hưởng lương hưu được trợ cấp hàng tháng
Người không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý, quy định chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Cụ thể, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu, khi có yêu cầu thì sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng từ chính khoản đóng góp của mình.
Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hàng tháng tùy thuộc vào tổng thời gian đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Mức trợ cấp hàng tháng được tính bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội. Trường hợp tổng số tiền tính theo thời gian đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động cao hơn số tiền tính mức trợ cấp hàng tháng cho khoảng thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì người lao động được hưởng trợ cấp hàng tháng với mức cao hơn.
Mức trợ cấp hàng tháng được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng mà Chính phủ điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội cao hơn mức trợ cấp hàng tháng thì người lao động được điều chỉnh hưởng mức trợ cấp hàng tháng bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội.
Trường hợp người đang hưởng trợ cấp hàng tháng chết thì thân nhân của người lao động được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa được nhận và được hưởng trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện.
Người đang trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Bộ LĐTB&XH là cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cho rằng, quy định này giúp gia tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng mà ngân sách nhà nước không phát sinh tăng nhiều. Đồng thời, quỹ bảo hiểm xã hội cơ bản cũng không bị ảnh hưởng do trợ cấp hàng tháng được thực hiện trên nguyên tắc đóng – hưởng, được tính toán từ tiền đóng của người lao động và người sử dụng lao động vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Theo tính toán của Bộ LĐTB&XH, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 5 năm với mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bình quân như hiện nay, nếu người lao động không hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng thì có thể được hưởng với mức lương thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.
Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu sẽ thảo luận một số nội dung còn ý kiến khách nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.